Search Menu
Home Latest News Menu
Features

Liệu nhạc dance có đang trở nên nhanh và mạnh hơn?

Vì sao nhạc dance càng ngày càng mạnh nhanh hơn? Theo chân cây bút Isaac Muk khám phá ảnh hưởng của một thế hệ nghệ sĩ mới, những người "chơi hết mình” trong club, cùng mạng xã hội và tình trạng kinh tế bất ổn

  • Written by: Isaac Muk | Translated by: Thục Quân
  • 12 March 2023

Phía Bắc Tempelhofer Feld, nơi từng là sân bay cũ của Berlin và giờ đã trở thành một công viên giải trí công cộng chứng kiến một trong những hình ảnh quen thuộc nhất của bối cảnh nhạc điện tử hiện nay. Những bức tường lát gạch trắng ở đó được thắp sáng bằng một dải đèn neon màu vàng, đôi khi xanh neon, là một thiết lập không gian chơi nhạc đơn giản gồm một cặp CDJ, hoặc đôi khi Technics 1200, một bộ mixer 4 kênh và hai màn hình Mackie. Trong vài năm qua, thiết lập này đã gắn liền với những âm thanh drum đầy dữ dội.

Tất nhiên chẳng ai còn xa lạ với hình ảnh không gian quen thuộc của HÖR. Đài phát thanh dựng trong nhà vệ sinh này trở nên phổ biến nhờ đề xuất của Youtube cho những set nhac điện tử. Mặc dù chính sách booking của nền tảng này rất đa dạng, từ nhạc điện tử cổ điển, trance, cho đến nhạc minimal của Romania… phần nhiều set nhạc gắn với nền tảng này (và được xem nhiều hơn cả) đều là những set techno đầy mạnh mẽ.

Tính đến thời điểm viết bài, clip ghi lại set nhạc của DJ người Ukraine Daria Kolosova kéo dài 50 phút được ghi hình vào tháng 9/2021, với các fader cao độ của CDJ gần như liên tục bị đẩy xuống đáy, thu về tổng cộng 3,5 triệu lượt xem.

Trong giai đoạn phong tỏa toàn cầu, HÖR thu hút một lượng lớn khán giả trẻ sắp đến tuổi đến club và muốn trải nghiệm một đêm vui chơi đúng nghĩa. Behaviour (tên thật là Casey Seaward) là một DJ techno với những âm thanh mạnh và dồn dập. DJ 20 tuổi đến từ Indonesia và hiện đang làm việc tại London này chia sẻ: “[Có vẻ như HÖR] là điều duy nhất đang diễn ra vào thời điểm đó.”

Với sự bày trí đơn giản cùng điểm nhấn của thời đại công nghiệp thô sơ mà hầu hết chúng ta chỉ từng trải nghiệm trong một đêm đi chơi, nền tảng này trở thành liều thuốc giải hoàn hảo cho những công việc người ta làm để giết thời gian trong giai đoạn đại dịch như khi làm bánh, làm việc từ xa, và cũng là yếu tố cân bằng những giai điệu downtempo và ambient đã được nghe đi nghe lại đến phát chán.

Cũng từ đó, thứ nhạc techno dồn dập mạnh mẽ này được phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng chủ đạo trong bối cảnh nhạc điện tử, đặc biệt là ở Tây Âu. Các bữa tiệc quan trọng như Teletech của Manchester, bữa tiệc Chủ nhật của tổ chức FOLD ở London UNFOLD và Possession Festival ở Paris đều là điểm đến dành cho những âm thanh này.

Và cùng với đó là sự xuất hiện của một loạt các nghệ sĩ và collective đang từng ngày từng giờ thúc đẩy giới hạn BPM và biến dạng tiếng trống. Herrensauna Collective (mà Héctor Oaks là một resident) là một ví dụ điển hình. Các buổi biểu diễn trên khắp thế giới của họ đều bán cháy vé. Trong khi đó, chú thích trên Instagram của label ELEKTRA do Charlie Sparks sáng lập (anh cũng là resident DJ của Teletech) mô tả âm nhạc cùa mình là “NHANH TỚI CHÓNG MẶT”.

Vào tháng 7/2021, DJ nổi tiếng với những set nhạc nhanh VTSS tweet một ảnh chụp màn hình trả lời một câu chuyện trên Instagram sau khi có người phản hồi với một set nhạc cô chơi ở Paris, với nội dung: “Lần sau làm ơn hãy chơi nhanh và mạnh hơn [cùng biểu tượng bàn tay cầu nguyện]. ”

Câu trả lời của VTSS: “Dân techno Paris khiến tôi sợ đấy, tôi đã bắt đầu ở tốc độ 145 bpm mà vẫn chưa đủ với họ.”

Nhưng không chỉ riêng với techno, người chơi nhạc break hardcore và jungle cũng đẩy âm thanh của mình lên tới hơn 170 BPM, như album được hàng loạt giải thưởng của Nia Archives có tên 2022, hay những bản thu đầy sáng tạo, kết nối đủ thể loại từ jungle, footwork, drum ‘n’ bass hay dubstep từ Hooversound Recordings của SHERELLE và NAINA.

Garage không chỉ được chơi trong các set của DJ chuyên chơi nhạc garage mà còn cả của những DJ chơi house và techno. Ngay cả Young Marco, một DJ thành danh nhờ vào việc chơi các đoạn vocal disco và những âm điệu nhẹ nhàng hơn của điện tử, cũng bắt đầu mang những đoạn cắt nhạc trance thập niên 90 vào âm nhạc của mình.

Lý do gì khiến DJ, người nghe nhạc và promoter quan tâm đặc biệt đến âm nhạc ngày càng nhanh và mạnh đến vậy? Chúng tôi tìm hiểu điều này bằng cách trò chuyện với một số DJ và những người thích tiệc tùng để khám phá những yếu tố đang dẫn dắt xu hướng và ý nghĩa của nó đối với âm nhạc (nếu có).

Behaviour chuyển đến London khi vẫn còn là cậu nhóc tuổi teen. Do chưa đủ tuổi đến club, và sau đó bị cấm bởi đại dịch, cậu thoả mãn sở thích của mình bằng việc dành hàng giờ đồng hồ trong căn hộ ở Đông London để tìm kiếm trên YouTube, Bandcamp và Discogs những âm thanh techno cũ và mới. Cậu “khởi nghiệp” DJ với nhạc house và deep house, nhưng chính chị gái là người đầu tiên bắt đầu giới thiệu Behaviour đến với những âm thanh có phần u tối và nặng nề hơn của nhạc điện tử.

“Chị ấy gặp một anh chàng điều hành techno label và giới thiệu [âm thanh] đó cho tôi, tôi nhớ mình đã cảm thán khi nghe nó lần đầu," cậu nói. “Nó mang lại điều gì đó mạnh mẽ hơn [so với nhạc house]. Hay thậm chí, nó là điều gì đó khác biệt hẳn, bởi trong thời gian đó, 130 BPM đến 135 BPM được coi là nhanh, vì vậy khi tôi cho những người bạn thích nghe techno của mình nghe thứ nhạc này, họ đều có cùng cảm nhận là nó quá nhanh và quá mạnh.

Trải nghiệm đi club đầu tiên của Behaviour đến vào năm 19 tuổi, khi chứng kiến người tiên phong của hard techno Dax J chơi trong club danh tiếng hàng thập kỷ qua có tên fabric. “Tôi chuyển đến London vào tháng 9/2020, mùa hè năm đó khi COVID-19 tấn công cũng là lúc tôi lần đầu tiên bắt đầu khám phá khía cạnh này của hard techno ,” cậu tiếp tục. “Ngay cả khi đó, mức tối đa cũng chỉ từ 140 BPM đến 145 BPM. Phải đến năm 2021, tôi mới bắt đầu phát hiện ra rằng 145 là mức tối thiểu và mọi người cũng vẫn đang chơi tới 160 BPM.”

Là một vũ công và DJ trẻ tuổi, Behavior phải tổ chức sinh nhật lần thứ 18 của mình trong một căn hộ để ăn mừng thông qua các cuộc gọi Zoom và tập thể dục ngoài trời theo chế độ giãn cách xã hội. Vì thế không có gì lạ khi những âm thanh dữ dội của techno cuốn hút DJ trẻ này tới vậy. Và cậu không phải người duy nhất, một thế hệ những raver trẻ tuổi chia sẻ nguồn năng lượng bị dồn nén cùng tìm kiếm sự giải thoát cho mình trong 18 tháng ngồi nhà thông qua âm nhạc.

DJ đã quen mặt với những sân khấu techno Châu Âu (và trên thế giới) Sunil Sharpe cho rằng một phần cũng là do nhiều câu lạc bộ phái đóng cửa. “Tôi nghĩ âm nhạc [mạnh và nhanh hơn] phát triển hơn khi ngành công nghiệp club thu hẹp quy mô,” anh nói. “Môi trường nightclub truyền thống điều chỉnh nhịp độ cũng truyền thống hơn, nhưng số lượng câu lạc bộ thưa dần trong thập kỷ qua đồng nghĩa với việc bối cảnh đã chuyển nhiều hơn sang các địa điểm nắm bắt được tinh thần ban đầu của văn hóa rave với nhịp độ nhanh hơn. Đại dịch cũng tác động đến bối cảnh khi kìm hãm những người trẻ tuổi không thể ra ngoài. Nó gần giống với những năm 90, khi những thể loại phụ rất cụ thể như jungle techno hoặc tech trance hoặc hard acid đã quay trở lại. Mặc dù đây là những âm thanh cũ, nhưng một số nhà sản xuất mới hơn đã tạo ra những thay đổi lớn về phong cách và chất lượng sản xuất cũng tốt hơn.”

Và chính thế hệ người đi club trẻ tuổi, DJ và nhà sản xuất này là những người đi đầu của phong trào. Quail (tên thật là Darren Quail) đã tổ chức những bữa tiệc techno ở Glasgow có tên Animal Farm từ năm 2004, đây cũng là một trong những collective có ảnh hưởng nhất thành phố này. Vào tháng 3 năm ngoái, anh đã phát động một sự kiện mới có tên là NEED 4 SPEED với chính sách “KHÔNG CÓ SET KHỞI ĐỘNG”, anh nói ý tưởng này đến từ AISHA (một DJ trẻ hiện đang cùng tổ chức những bữa tiệc này với anh) như một cách phản kháng của những người trẻ sau đại dịch.

“Đó là những người trẻ nhất mà tôi từng thấy trong các club,” anh nói. “Từ số liệu thống kê về lượng vé của chúng tôi, độ tuổi trung bình của người đến club từng là 23, 24 và bây giờ là từ 18 đến 21.”

Anh bắt đầu nhận thấy BPM tăng lên vào nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trước khi đại dịch buộc các câu lạc bộ phải đóng cửa, nhưng sự thay đổi lớn đến vào tháng 7/2021 sau khi club hoạt động trở lại. Anh nói: “Không phải thể loại hay âm nhạc đang thay đổi [so với trước đại dịch], mọi thứ chỉ được chơi nhanh hơn. Sau khi qua đại dịch, tốc độ nhanh hơn vẫn được duy trì, nhưng sau đó khi mọi thứ mở cửa trở lại, nó giống như một sự bùng nổ vậy mọi người chỉ muốn càng nhanh càng sớm thì càng tốt. Không ai biết khái niệm set nhạc khởi động là gì nữa”.

Quy luật bình thường là mọi người dần dần yêu thích club, tiệc tùng và âm nhạc điện tử khi những người khác đã thấy chán. Nhưng đại dịch đốt cháy chu kỳ này, nó mang đến cơn địa chấn trong sự thay đổi độ tuổi của khán giả.

“Tôi nghĩ lý do là có nhiều người bước sang tuổi 18 trong thời gian đại dịch,” anh tiếp tục. “Họ đã nghe nói về techno, nhưng chưa bao giờ trải nghiệm club [và] chỉ có thể nghe những tiểu thể loại như hard dance, hay hardcore. Vì vậy, khi được tự do, họ tràn đến club và cũng muốn nghe nhạc mạnh, vì họ chưa từng nghe những thứ khác.

Một trong những nghệ sĩ chủ chốt đi đầu trong phong trào này không thể không kể đến một nhân vật người Scotland khác - TAAHLIAH. Chịu ảnh hưởng lớn nhưng không bị giới hạn bởi techno, phong cách độc đáo của DJ này cũng thể hiện pha trộn giữa ảnh hưởng từ pop và hardstyle, và nó cũng giúp cô được mời chơi ở những sự kiện techno như Teletech và đứng cùng sân khấu với những nghệ sĩ như LSDXOXO và hay nghệ sĩ quá cố SOPHIE.

Sau khi chuyển từ Kilmarnock đến Glasgow để theo học trường nghệ thuật, sáu tháng ở Berlin trước khi đại dịch bùng phát đã đưa cô đến với những âm thanh của thành phố này. “Tôi luôn thích nhạc dance từ khi còn nhỏ,” cô nói. “Trước đây, tôi cũng như nhiều người nghe nhạc nghĩ rằng kỹ thuật 4 by 4 không thú vị lắm, nhưng sau đó khi nghe nó nhiều ở những nơi như Berghain hay Griessmühle, tôi bắt đầu cảm kích không chỉ [âm nhạc] mà cả những tình huống mà nó có thể tạo ra hơn.”

Những âm thanh này bắt đầu gây ảnh hưởng đến phong cách âm nhạc của cô, cả trong những set nhạc lẫn bản thu do cô sản xuất, đặc biệt là EP đầu tay mang tính đột phá vào năm 2021 có tên “Angelica”, được phát hành dưới nhãn đĩa untitle (recs). Đây được ví như một cuộc dạo chơi gồm 6 track nhạc đa dạng về thể loại từ techno thử nghiệm mạnh mẽ, hard dance đến pop mộng mơ. EP này cũng giúp cô giành giải Nghệ sĩ điện tử xuất sắc nhất và Nghệ sĩ sắp xuất sắc nhất tại Giải thưởng âm nhạc thay thế Scotland (SAMAs), cũng như Giải thưởng AIM cho EP/Mixtape Độc lập xuất sắc nhất.

“Tôi nghĩ ai mới bước chân vào ngành công nghiệp âm nhạc cũng sẽ thường nghĩ rằng để đạt được thành công, họ sẽ phải làm việc liên tục. “Tôi đã làm điều đó nhưng sự thành công của 'Angelica' vẫn khiến tôi ngạc nhiên” TAAHLIAH chia sẻ.

Âm nhạc của EP này cũng giống như âm thanh hiện đã trở thành đặc trưng của nữ nghệ sĩ lấy nền tảng từ thứ nhạc cô được nghe nhiều đêm ở hộp đêm Friedrichshain và được biến hoá thành thứ gì đó hoàn toàn của riêng TAAHLIAH. “Tôi nghĩ nghệ sĩ nào cũng đều muốn lấy thứ gì đó và tạo ra nó theo ý họ muốn,” cô nói. “Tôi thực sự muốn cần phải mang đến một thứ gì đó khác biệt, và đó không nhất thiết phải những gì tôi làm tốt hơn hay tệ hơn trước kia, đó chỉ là cách tôi làm việc mà thôi.”

Đọc thêm: Mixmag điều tra: Tại sao giải Grammy lại nhìn nhận nhạc dance sai lệch đến vậy?

Trong phần lớn thập kỷ trước, nhạc techno chủ yếu gắn với những âm thanh kick trống cách nhau từ 120 BPM đến 130 BPM, trong khi thế hệ nghệ sĩ mới tạo ra âm nhạc của riêng mình bằng cách đẩy năng lượng và bộ đếm BPM lên cao hơn.

Cũng giống Quail, DJ lâu năm và người hùng underground từng đoạt nhiều giải thưởng Man Power lần đầu tiên bắt đầu nhận thấy sự thay đổi về nhịp độ và năng lượng âm nhạc vào năm 2019. “Tôi nhớ khi chuyển đến agency mới, họ nói rằng ai cũng yêu cầu họ những DJ chơi nhạc ở tốc độ 140 BPM,” anh nói. “Tôi đã thấy sốc khi mọi người mô tả âm nhạc bằng nhịp điệu hơn là bản chất của nó.”

Nhưng giống sự pha trộn độc đáo giữa các âm thanh khác nhau của TAAHLIAH, anh nhận thấy sự thay đổi này là một phần của thế hệ nghệ sĩ và DJ trẻ hơn đang sử dụng âm nhạc và biến nó thành của riêng họ. “Tôi không nghĩ giờ đây việc nghe các DJ trẻ chơi tất cả các thể loại là điều không bình thường. “Thay vì phân định bản thân: 'Tôi là một DJ techno nhanh, 'Tôi là một DJ phá cách' hoặc 'Tôi chơi trống 'n' bass', điểm chung của họ chỉ đơn giản nằm ở năng lượng âm nhạc họ chơi.

Tuy nhiên, về mặt tổng thể, anh coi sự thay đổi về năng lượng là một phần của dòng chảy tự nhiên của nhạc dance. Vào năm 2008, khi đang chơi nhạc tại Electric Elephant Festival ở Croatia (tiền thân của số lượng lớn các lễ hội mùa hè hiện đang diễn ra dọc Bờ biển Adriatic) nhiều người đã đến hỏi anh: “Techno ở đâu vậy?”

“Năm năm sau, tôi chơi techno vào lúc 4 giờ sáng, và mọi người sẽ đến gặp tôi để hỏi: 'Disco ở đâu vậy?'" anh kể lại. “Với bất kỳ dòng người mới nào vào bất kỳ thời điểm nào, nếu họ còn trẻ, họ sẽ muốn từ chối những gì đến trước mình và muốn nghe thứ gì đó hoàn toàn là của mình. Và, văn hoá nhạc dance phần lớn thuộc về văn hóa của giới trẻ.”

Ba thập kỉ trước, Man Power mới 12 tuổi khi bắt đầu tiếp cận nhạc điện tử với album phòng thu đầu tay của “Experience” của The Prodigy. Được phát hành thông qua XL Recordings vào năm 1992, album này ngay lập tức trở thành một tác phẩm kinh điển với phong cách tương lai, cùng thể loại hardcore, jungle và breaks.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, với những đoạn ngắt nhịp trực diện và giọng hát mẫu không thể được xác định hoàn toàn như vô số thể loại phụ được sử dụng để mô tả nhạc dance như bây giờ. Man Power nói: “Bây giờ chúng tôi gọi nó là hardcore. “Nhưng lúc đó nó chỉ là nhạc rave mà thôi.”

Khi lớn hơn và bắt đầu khám phá các hình thức âm nhạc điện tử khác, anh thấy mình bị thu hút bởi phần cuối tinh tế hơn của nó và xây dựng một bộ sưu tập electro oddball, disco và techno sâu lắng, hấp dẫn hơn. “Con gái tôi năm nay 12 tuổi, nếu tôi chơi nhạc dance thì rất khó để khiến một đứa trẻ 12 tuổi hứng thú, nhưng thứ khiến con bé thích thú là thứ có tốc độ nhanh,” anh nói. “Và tôi nghĩ đó là bởi tiếp cận một thứ gì đó rất bản năng, nhanh và mạnh sẽ luôn dễ dàng hơn.”

Nhưng hardcore, hay “rave”, là một âm thanh rất ưu tiên trong âm nhạc ở dải tần trên 170 BPM, sau một thời gian bị coi thường trong nhạc dance. TAAHLIAH nhận thấy bối cảnh Glasgow đang bùng nổ. Cô nói: “Ở thành phố của chính tôi, âm nhạc thịnh hành và được chơi vào hầu hết các đêm là nhạc hardcore. Hai năm trước chắc chỉ có một sự kiện thôi, nhưng bây giờ thì đếm không xuể nữa.

“Có lẽ điều này xuất phát từ tư tưởng thời đại là thưởng thức âm nhạc vốn được tạo nên từ tầng lớp lao động. Trước đây khi ổn định hơn về tài chính, người ta có tâm lý muốn nghe một loại nhạc nào đó vì cho rằng nó chân thật, hay hoặc cool hơn. Nhưng tôi đoán Hardcore và Hardstyle phủ nhận điều đó bởi vì nó chỉ có những âm thanh ‘bam-y’”.

TAAHLIAH cho biết thuật ngữ 'bam' là một từ địa phương của Scotland và thường được dùng để chỉ những người trẻ tuổi, thuộc tầng lớp lao động "chuyên gây rắc rối". Chính trị gia sẽ coi nó tương đương với "hành vi chống đối xã hội". Nhưng trong thời kỳ hậu phong tỏa với giá thuê nhà quá đắt, hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt và một thế hệ thanh niên có triển vọng kinh tế ảm đạm hơn thế hệ trước, họ có lẽ chẳng muốn suy nghĩ nhiều.

Đọc thêm: Hé lộ những điều chưa biết về triển lãm Tresor 31

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, phần lớn nền kinh tế và lực lượng lao động của Anh quay cuồng vực dậy sau khi nhiều ngành công nghiệp và sản xuất của nước này trở nên đình trệ dưới chính phủ của Thatcher. Trước tình trạng thất nghiệp lan rộng và khó khăn về tài chính, đặc biệt ở miền Bắc nước Anh và một số khu công nghiệp nhất định của London, phong trào đảng tự do (một biểu hiện của chủ nghĩa khoái lạc không hạn chế và bất chấp các điều kiện) đã phát triển mạnh. Và nhạc nền cho phong trào này chính là nhạc hardcore và acid house.

Anh hiện cũng đang phải đối mặt với hậu quả của giai đoạn cuối của một chính phủ Bảo thủ, với cuộc suy thoái sắp xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đây có lẽ không phải là một kịch bản quá khác biệt với bối cảnh đã sinh ra “Experience” vào năm 1992. Album này giờ đây nếu nghe lại vẫn có vẻ mới mẻ, với các nhịp đập nhanh, đầy bộ gõ và các mẫu giọng hát không quá khác biệt so với những âm thanh được lồng ghép vào nhạc jungle, Hardcore và drum 'n' bass hiện nay.

Tương tự như vậy, hypnotic techno với các đoạn chuyển tiếp dài hơi và đẩy lên đỉnh điểm 128-130 BPM của nó phần lớn đã không còn hợp thời với nhu cầu năng lượng cao hơn, trực diện hơn, điều này cũng đúng với những âm trầm phụ thưa thớt, mạnh mẽ của bass 'n' drum nổi tiếng một thời.

Tuy nhiên, điều quan trọng là âm nhạc phải được đánh giá cao chứ không phải được tôn sùng. Đúng như lời TAAHLIAH, nhiều nhân vật chủ chốt đang thúc đẩy âm thanh mới này xuất thân từ tầng lớp lao động. Trong trường hợp của hai nghệ sĩ có ảnh hưởng đặc biệt vào thời điểm hiện tại (tình cờ đang đi lưu diễn cùng nhau vào lúc này), SHERELLE lớn lên ở vùng ngoại ô Đông Bắc London và I. JORDAN ở Doncaster. Cặp đôi đã nói về chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Mixmag. I. JORDAN nhấn mạnh hardcore là loại nhạc ghi lại tuổi trẻ của họ.

“Tôi lớn lên với Hardcore, trance, drum 'n' bass. “Drum 'n' bass vẫn rất phổ biến ở miền Bắc, phải đến khi ở gần những người thuộc tầng lớp trung lưu nghe techno khi chuyển đến London, tôi mới bắt đầu tiếp xúc với những loại âm thanh đó,” I. JORDAN cho biết.

Dù có vẻ như những âm thanh này có thể quay trở lại các club (với người nghe chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu) ở trung tâm các thành phố như Manchester và London, nhưng ở vùng ngoại vi, chúng chưa bao giờ biến mất. SHERELLE cho biết trong cùng một cuộc phỏng vấn: “Nó chỉ trở lại vị trí hàng đầu vì rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động đã chơi nó. “Tim Reaper, Coco Bryce, Nia Archives đều là những người thuộc tầng lớp lao động, trong khi những người từng coi thường nó thuộc [tầng lớp] trung lưu, [tầng lớp] thượng lưu nhưng dường như nó không hợp thời nữa cho đến khi một trong những DJ yêu thích của họ chơi nó.”

Không chỉ các điều kiện kinh tế gợi nhớ đến bối cảnh những năm đầu thập niên 90, mà các khía cạnh khác của văn hóa cuối thế kỷ 20 dường như đã len lỏi vào bối cảnh âm nhạc điện tử.

Mixtress (tên thật là Rini Mukherjee), một DJ tài năng, người bán nhiều vé đến mức khó có thể gọi cô là “mới nổi”, chia sẻ: “Những nghệ sĩ lớn như PinkPantheress và Nia Archives đang chơi và sản xuất những bản nhạc hardcore nhưng vui hơn và chịu ảnh hưởng từ jungle. Tôi thích gọi nó là một kiểu porn hoài cổ với âm nhạc. Có rất nhiều thứ thuộc về thập niên 90 đang quay trở lại, bạn thấy nó trên quần áo, bạn thấy nó trong các câu lạc bộ cấm quay phim bằng điện thoại, và điều này bao gồm cả việc bạn bớt nghiêm túc hơn, tự do hơn khi nhảy và thả hồn trong âm nhạc.”

Với sự trở lại của quần jean rộng thùng thình, áo crop top và thậm chí máy ảnh ngắm và chụp từ 20 năm về trước nhằm mang lại “cảm giác cổ điển”, Gen Z chính là những người đã hồi sinh hiện tượng này. Và theo lẽ tự nhiên, âm nhạc cũng là một phần của phong trào đó.

Nhưng trong khi bản thân được biết đến với những set nhạc tràn đầy năng lượng với hardcore và jungle, thì mixtress cho rằng danh tiếng không phản ánh đầy đủ âm thanh và sở thích của mình. “Âm nhạc của tôi khá mạnh và nhanh, và có lẽ đó là điều khiến mọi người biết đến tôi nhiều nhất,” cô nói. “Nhưng trong tương lai, liệu âm nhạc của tôi sẽ tiếp tục như vậy không? Tôi không biết!

“TikTok cũng liên quan đến hiện tượng này,” cô tiếp tục. “Ngay cả khi chơi ở Boiler Room, tôi cũng chơi các bản nhạc khác nhau vì biết người nghe trẻ tuổi sẽ xem nó. Còn khi chơi ở fabric, tôi biết đám đông sẽ lớn hơn một chút. vì vậy tôi có thể chơi nhạc nghiêm túc hơn.”

“Không phải [âm nhạc chơi ở Boiler Room] không nghiêm túc, mà nó mạnh và nhanh hơn nhưng cũng dễ thu hút người nghe hơn. Tôi không phán xét gì Gen Z nhé! Nhưng lý do chọn nhạc của tôi có liên quan nhiều đến khả năng tập trung của người nghe thuộc thế hệ này. Tôi có thể chơi cả một set bootlegs trong một đêm sinh viên ở Manchester và khiến cho tất cả cùng phấn khích.”

Biết mình đang chơi trong bối cảnh nào và đám đông nghe nhạc đã một trong những kỹ năng quan trọng để trở thành một DJ giỏi. Nhưng với thực tế là nhạc dance chỉ được tiêu thụ với số lượng ít, các set kéo dài cả giờ đồng hồ được cô đọng thành một clip ngắn, chỉ dài 30 giây tồn tại rất lâu sau sự kiện qua video TikTok và Instagram reel, giờ đây kĩ năng này cũng bao gồm việc có thể tạo ra một khoảnh khắc đáng lan truyền.

“Cách giao tiếp ngày nay cũng có nhịp độ nhanh, giống như bạn chộp lấy cơ hội để nói những gì bạn cần nói. Có một sự thay đổi nhanh chóng về khái niệm của tất cả các loại phương tiện truyền thông và tôi nghĩ nhạc dance cũng đã được đưa vào đó. No cũng cần phải thô bạo, mạnh mẽ và rồi đi đến âm thanh tiếp theo,” Man Power nói.

Đọc thêm: Hoài niệm về thời kỳ đầu của nhạc dance qua những tấm hình từ nhiếp ảnh gia Soulla Petrou

Speed garage (người anh em nhiều năng lượng hơn của 2-step UK garage) giờ đây ở vị trí đi đầu trong bối cảnh UKG và thậm chí thường được chơi bởi những DJ house và techno.

Riz La Teef, DJ và nhà sưu tập lâu năm ở Vương quốc Anh cho biết: “Speed garage đang trở nên nổi tiếng không chỉ riêng với các DJ của UKG. Eris Drew, Call Super, Ben UFO, v.v., và hiện có rất nhiều người trẻ tuổi đang chơi hay sản xuất thể loại này

“Tôi thậm chí thấy các DJ techno cũng chơi nó,” anh tiếp tục. “Interplanetary Criminal là một ví dụ.”

Đến từ Manchester, Interplanetary Criminal nổi lên trong năm 2022. Từ vô danh trở thành người đứng đầu bảng xếp hạng Vương quốc Anh với ca khúc của anh ấy “B.O.T.A. (Baddest Of Them All)” hợp tác cùng Eliza Rose. Nhờ internet, bao gồm cả “hiệu ứng TikTok” và màn trình diễn Mixmag Lab On Location, các set của anh với những đoạn garage, bassline house và một chút donk thể hiện sức hút lớn với người nghe ở Anh và trên thế giới.

Trong một cuộc trò chuyện với nghệ sĩ này trên BBC Radio 1 Dance Future Stars, Sarah Story hỏi anh: “Chúng ta biết rằng speed garage đang quay trở lại một cách rầm rộ nhưng có vẻ như bạn đang đi đầu trong cuộc trở lại này thì phải?”

“Năm 2019 ngay trước đại dịch là khoảng thời gian 2-step garage thống trị. Nhưng giờ đây, đúng là dường như speed garage đang dẫn đầu ở thể loại garage. Và các bản chỉnh sửa thì hay kinh khủng. Điều tôi thích ở nó là nó vẫn theo một công thức từ năm 2005 đến năm 2023, và vẫn đang hoạt động rất tốt,” anh trả lời.

Vậy là đã rõ, âm nhạc thể hiện sự hồi sinh đỉnh cao của tinh thần phóng khoáng của thập niên 90. Những clip ngắn xuất hiện trên mạng xã hội và âm nhạc được chơi trong club khiến người ta quên đi tất cả để nhảy, đó là thứ âm nhạc khiến mọi người phải thốt lên “Oiii!”, và người ta cũng chỉ cần như vậy vào những dịp tiệc tùng,” mixtress nói. “Nhạc nhanh đang trở lại, chỉ đơn giản là để khiến tất cả đều nhảy.”

Nhưng khi nghĩ về sự lên và xuống của âm nhạc điện tử, ta bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chắc chắn là khi những cú kick tiếp tục nhanh hơn, nặng hơn và những đoạn ngắt quãng dữ dội hơn, sẽ có một điểm bão hòa hữu hạn trước khi âm nhạc chỉ bao gồm sự ồn ào.

Sunil cho rằng sự thay đổi đã bắt đầu và đôi khi nhận thấy điểm khác biệt giữa đám đông và DJ: “Những thứ nhanh và mạnh không thu hút người nghe nhạc lớn tuổi hơn, và điều này không thực sự mang lại lợi thế cho club. Phần lớn thời gian đám đông phải vật lộn để theo kịp nhịp độ, tôi đã từng biểu diễn ở nhiều nơi mà âm nhạc và phản ứng của đám đông hoàn toàn khác biệt.

“Đừng hiểu sai ý tôi, tôi thích nhạc nhanh, nhưng đôi khi bạn cũng phải nhìn xuống sàn nhảy. Tôi luôn thủ sẵn âm nhạc nhanh và mạnh hơn trong set của mình,” anh nói thêm. “Tuy nhiên, tôi chỉ coi nó như một thiết bị, không phải là một nhịp độ cực nhanh liên tục trong suốt set nhạc. Tôi nghĩ đó là cách nhiều người đang tự giới hạn bản thân. Giờ tôi có thể kéo dài một số đoạn khó và nhanh hơn vì bạn nhận được phản ứng đồng thuận hơn trên sàn nhảy. Khi làm điều này 10 hay 15 năm trước, không phải ai cũng sẵn sàng đi cùng bạn trên hành trình đó.”

Man Power thì băn khoăn về tuổi thọ của những âm thanh này: “Hiện tại có rất nhiều nhạc dường như không có tính trường tồn. Ngày càng có nhiều người nói về việc có một mẫu điên rồ, nổi bật và càng ngớ ngẩn càng tốt, nhưng điều này không có nghĩa là không có những đoạn nhạc tuyệt vời phát ra từ nó, tôi chắc chắn rằng sẽ có một phần lớn các tác phẩm kinh điển xuất hiện trở lại.

“[Nhưng] không có gì là vĩnh viễn,” anh tiếp tục. “Tốc độ sẽ thay đổi cũng như thời trang, kiểu tóc và giày dép. Thời điểm bạn nghĩ mình biết nó là gì và điều gì quan trọng, chính là lúc nó sẽ thay đổi.”

Nhưng thành công gần đây của anh là minh chứng cho thấy, vẫn và sẽ luôn có không gian cho âm nhạc thuộc mọi thể loại và tâm trạng. Xu hướng rõ trong một số bối cảnh nhất định và trên một số nền tảng nhất định không nhất thiết phải đại diện đầy đủ cho phạm vi những gì đang diễn ra trong bối cảnh nhạc dance. Luôn có những bối cảnh ngầm ngay cả trong những thời điểm mà âm nhạc trong quá khứ đã trở nên mạnh mẽ hơn, như sự bùng nổ của EDM vào đầu những năm 2010, hay sự bùng nổ của indie vào những năm 2000.

Anh nói thêm: “Những thứ sâu sắc hơn luôn chiếm vị trí thứ hai sau mainstream. Tôi đoán đó là sự khác biệt giữa thời trang đường phố cao cấp và thời trang sàn catwalk. Một là tuyên bố về sự sáng tạo và một là cách [điều đó] được lan tỏa đến nhiều người.”

Và đó là một câu chuyện đảo chiều. Sunil nói: “Phong cách âm nhạc khó và nhanh đã luôn như vậy và sẽ tiếp tục như vậy. Điều sẽ thay đổi nhiều hơn là số lượng người nhảy rời khỏi phong cách này và định vị lại bản thân một cách chắc chắn hơn.”

Nhạc dance luôn chuyển động theo chu kỳ, từ đỉnh đến đáy; lên và xuống; từ nhẹ nhàng đến tinh tế. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang hướng đến một vụ nổ [đầu những năm 2000] lớn của nhạc tối giản. Ý tôi là, điều đó thực sự không đi đến đâu cả đúng chứ?” Sunil nói. “Nó chỉ trở thành tech-house. Ngoài ra, nhịp độ nhanh hơn không cần phải biến mất. Tôi thích cách chúng trở nên phổ biến hơn, chỉ khi mọi thứ trở nên “có tất cả hoặc không có gì” thì mới bắt đầu mang đến cảm giác không lành mạnh, giống như trong giai đoạn nhạc tối giản lên ngôi."

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong thế giới nhạc dance cũng chỉ là một suy đoán hoàn chỉnh. Nhưng có lẽ, như Sunil hy vọng, chúng ta không nhất thiết phải gắn tốc độ và thể loại với nhau. Âm nhạc điện tử rất đa dạng, phức tạp và nhiều lớp, và BPM tất nhiên cũng chỉ là một yếu tố nhỏ tạo nên một bản nhạc.

Gyorgy Ono, người đã làm DJ và promoter cho các bữa tiệc ở London gần 20 năm nay, cho rằng không thể chỉ đơn giản nhìn nhận âm nhạc chỉ bằng tốc độ của nó. “Tôi thấy từ ‘nhanh’ có vấn đề,” anh nói. “Tôi nghĩ mọi người nhầm lẫn với khía cạnh năng lượng của nó và họ chỉ tập trung vào yếu tố nhanh.”

Kể từ sau đại dịch, anh nhận thấy một đám đông khác đến dự các đêm tiệc của mình, họ đến cùng khao khát có một nguồn năng lượng nhất định, nhưng lại cởi mở với những âm thanh khác và hơn hết là họ muốn có một bữa tiệc vui vẻ. Anh nói: “Tôi có thể thấy khi nhịp độ âm nhạc tăng lên thì họ trở nên điên cuồng, nhưng khi nó thay đổi thì họ vẫn tiếp tục nhảy, và tôi thực sự tôn trọng điều này những người có thể thoát ra khỏi những gì quen thuộc và đón nhận những gì họ thường không lắng nghe.”

Và không phải sự cởi mở là tinh thần chính của tiệc tùng và âm nhạc điện tử sao? Anh tiếp tục: “Khi bạn nói về 'nhanh' hay 'tốc độ', bạn cần nói về phạm vi của nó. “Bởi vì cuối cùng nó cũng chỉ là về âm nhạc mà thôi.”

Isaac Muk là Thực tập Digital của Mixmag, theo dõi Isaac trên Twitter

Next Page
Loading...
Loading...