Menu
Home Latest News Menu
Văn hoá

Theo dòng lịch sử thời trang tiệc tùng thế giới

Thời trang tiệc tùng đã trải qua nhiều thời kỳ biến đổi khác nhau, tương ứng theo sự thịnh hành của từng dòng nhạc, thái độ tiếp nhận của xã hội và phong cách thời trang chủ đạo

  • Written by: Liêu Chưởng
  • 11 October 2022

Gu nghe nhạc và lựa chọn thời trang đến các sự kiện âm nhạc, dù phụ thuộc nhiều vào sở thích và quan điểm của mỗi người, thì cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng từ dòng chảy văn hóa chung của xã hội, từ những tiêu chuẩn có thể biến đổi về khái niệm “sành điệu”. Trước khi thế giới được chứng kiến đa dạng kiểu cách ăn mặc chỉ trong một hộp đêm như ngày nay, đã từng có một thời mọi người lại thích mặc những bộ âu phục và đầm dạ hội để góp mặt tại các bữa tiệc âm nhạc và nhảy múa.

Cuối thế kỷ 19 – Thế chiến Thứ hai

Những buổi tiệc thưởng thức âm nhạc ở thời kỳ này vốn vẫn là thứ văn hóa dành riêng cho giới quý tộc. Chính vì thế, mọi thứ đều phải mang tinh thần sang trọng và nề nếp theo những chuẩn mực của giới thượng lưu. Những buổi tối cuối tuần, các cặp đôi nhà giàu lại hẹn hò với nhau tại những sảnh khiêu vũ nguy nga tráng lệ, nam thì diện trên mình những bộ âu phục dạ tiệc may đo chỉnh tề, trong khi các nữ thì thỏa sức lộng lẫy với những chiếc đầm dạ hội bồng bềnh, chân váy nhiều lớp lan, và phần cổ được khoét sang hai bên để lộ ra bờ vai gợi cảm.

Trong giai đoạn thập niên 1840 – 1850, những hình thức hộp đêm đầu tiên xuất hiện tại New York, Mỹ. Tại các địa điểm tụ tập về đêm nay, không chỉ khiêu vũ, mà nhiều hình thức giải trí khác như tạp kỹ, nhạc sống cũng được trình diễn sôi động. Cùng với đó là kinh doanh rượu bia không giấy phép, mại dâm và bài bạc… Các “hộp đêm” này cũng thường nhắm đến nhóm khách hàng thượng lưu với phong cách ăn mặc xa xỉ của âu phục và đâm dạ hội. Tuy nhiên, những tụ điểm hướng đến các tầng lớp thấp hơn cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, càng náo loạn hơn với liên tiếp những cuộc ẩu đả, đấu súng, phải chịu nhiều cuộc truy quét của cảnh sát. Những vị khách đến các “hộp đêm” bình dân thường là các nông dân và cao bồi với kiểu cách ăn mặc quen thuộc – sơ mi mặc cùng quần tây có dây đai và giày mũi nhọn, trên đầu là chiếc nón cao bồi sờn cũ. Trong khi đó, những ả gái điếm tại các địa điểm này cũng diện cho mình những chiếc đầm đẹp nhất có thể, dù không quá lộng lẫy như của giới thượng lưu, đẩy cao phần ngực.

Giai đoạn thập niên 1920 – 1930, tại các nước Châu Âu, các câu lạc bộ khiêu vũ được mở rộng rầm rộ, đặc biệt tại Đức, sau khi nước này rơi vào trình trạng ảm đạm hậu thất bại từ Thế chiến Thứ nhất. Thời đại Roaring Twenties đánh dấu những bước đầu của cuộc cách mạng nữ quyền, kéo theo sự thay đổi ngoạn mục trong cách ăn mặc, đặc biệt là của phụ nữ. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những chiếc đầm voan sát nách mỏng nhẹ, ôm theo đường cong cơ thể, đôi lúc được đính sequin lấp lánh, trên cổ là những chiếc vòng ngọc trai sang trọng; á. Với nam giới, ngoài những bộ tuxedo hay suits, chúng ta được thấy nhiều hơn những trang phục gọn nhẹ hơn như sơ mi-cà vạt cùng quần tây, đôi khi lót trong là áo thun. Từ cuối những năm đầu thập niên 1940, khi căng thẳng chính trị leo thang dẫn tới cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, các hình thức giải trí này gần như đều bị đóng cửa tại các nước Châu Âu.

Riêng ở Mỹ, dòng nhạc jazz và swing bắt đầu trở nên thịnh hành và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới, được trình diễn chủ yếu tại các câu lạc bộ và discothèques (tạm dịch: sàn nhảy). Trong khi các câu lạc bộ jazz phát triển ngày một mạnh mẽ tại Mỹ, thì dòng nhạc nãy vẫn tiếp tục bị cấm tại các nước thuộc địa của Phát xít Đức, điển hình như Pháp.

Sau Thế chiến Thứ hai – thập niên 1950

Thế chiến Thứ hai két thúc, cũng là lúc những hình thức giải trí về đêm trở lại đầy mạnh mẽ. Vốn là phương tiện giải trí dành riêng cho giới thượng lưu, giờ đây các câu lạc bộ jazz và sàn nhảy disco phát triển rộng rãi ở đại đa số người dân, chính thức biến các câu lạc bộ và hộp đêm trở thành một phần văn hóa đại chúng. Ngày càng có nhiều hơn những người trẻ và người thuộc tầng lớp thấp hơn đến các sàn nhảy, và thời trang tham gia các bữa tiệc âm nhạc cũng đa dạng hơn hẳn. Nữ giới thường chọn cho mình kiểu dáng đầm sơ mi hoặc âu phục có chân váy, với phần eo được bó sát - ảnh hưởng sâu sắc từ thiết kế cột mốc New Look của Christian Dior. Ngoài ra, với sự đấu tranh vì quyền lợi, phụ nữ cũng dần được tự do trong cách ăn mặc – họ cũng có thể mặc những chiếc đậm rộng và trễ, hay thậm chí là mặc quần dài ống suông hay quần jeans như nam mà không bị cấm cản. Đối với nam giới, sau chiến tranh, thời trang cũng được tối giản và bớt gò bó hơn. Những bộ suits cầu kỳ, tốn kém vải không còn là lựa chọn sành điệu duy nhất, mà họ bắt đầu tập làm quen với những trang phục có tính ứng dụng tốt hơn như áo thun, sơ mi ngắn hoặc dài tay, quần khaki hay thậm chí là quần jeans.

Đọc thêm: F5 thời trang đi “quẩy” với 10 thương hiệu nội địa Việt Nam

Thập niên 1950 là thời kỳ đỉnh cao của dòng nhạc rock ‘n’ roll, và điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến cách ăn mặc đi nghe nhạc của đại chúng. Những biểu tượng sành điệu như Elvis Presley, Marlon Brando khiến áo khoác da, áo thun khoe cơ và tank top trở thành những món thời trang thông dụng ở nam giới, cùng quần jeans và bốt da. Ở tại Anh Quốc, phong cách thời trang teddy boy với mái tóc uốn cong bóng bẩy, những bộ suits nhưng có thêu đính lòe loẹt, đi cùng quần dài bó sát và giày creeper trở thành kiểu cách ăn mặc của đại đa số giới trẻ.

Thập niên 1960 - 1970

Sau jazz-swing và rock ‘n’ roll, dòng nhạc disco trở thành một thế lực văn hóa mới tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu từ thập niên 1960 trở đi. Các sàn nhảy disco với phần nhô cao chính giữa và quả cầu phản chiếu ánh sáng rực rỡ trở thành hình ảnh biểu tượng cho nền văn hóa về đêm của giới trẻ khắp nơi. Các DJ tại những địa điểm âm nhạc như thế này cũng dần xuất hiện nhiều hơn trong thời điểm này, với nhiệm vụ điều phối âm nhạc cả đêm mà chúng ta vẫn thấy ngày nay. Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, thái độ tiếp cận của xã hội với thời trang cũng cho thấy sự cởi mở đáng kể trong giai đoạn này. Những màu sắc lòe loẹt được sử dụng nhiều hơn, các phom dáng mới cũng xuất hiện rộng rãi, góp phần đa dạng hóa thời trang của giới trẻ đường thời. Đa dạng các kiểu đầm-váy được nữ giới diện trong thời kỳ này, đặc biệt là những chiếc áo blouse cổ cao có nút hay đầm suông một màu xuyên suốt. Túi xách nhỏ, ôm sát người, quần dạng tất, quấn ống loe và cả những đôi bốt da cao đến đầu gối cũng trở nên thịnh hành ở nữ. Đối với nam, những chiếc áo sơ mi đa chất liệu và đa màu sắc, thường được mặc hở ngực, đi cùng với quần ống loe trở thành hai trong những món thời trang sành điệu của thời đại. Những món thời trang đơn giản như áo sơ mi, áo thun, quần jeans và giày tây vẫn là lựa chọn phổ biến từ giai đoạn trước đến nay. Và đặc biệt, đôi khi bạn cũng cần mang theo một đôi giày trượt patin cho những đêm nhảy disco skating độc đáo!

Song song với sự thịnh hành của nhạc disco, thể loại nhạc glam-punk rock cũng góp phần đem đến làn sóng âm nhạc lẫn thời trang mới mẻ tại các câu lạc bộ và hộp đêm ngầm. Thời trang da được diện rộng rãi bởi cộng đồng này, đi kèm là những kiểu tóc cực kỳ nổi loạn và lối trang điểm tô đen phần mắt hoặc môi. Dòng nhạc glam-punk rock đặc biệt thịnh hành tại Anh Quốc, bằng chứng là các biểu tượng âm nhạc như David Bowie với phong cách ăn mặc phi giới tính.

Thập niên 1980 – 1990

Đây là giai đoạn bản lề cho nền văn hóa club hiện đại, với sự ra đời của hàng loạt dòng nhạc điện tử mới như techno và house, hộp đêm nổi tiếng tại Anh Hacienda thành lập vào năm 1982, Tresor bắt đầu hoạt động vào năm 1991 tại Đức và phong trào The Second Summer of Love rầm rộ khắp Châu Âu vào những năm 1988-1989. Sau giai đoạn suy thoái kinh tế những năm 1970, thái độ phản đối của đại chúng dành cho chính phủ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, và điều đó được phản ánh qua phong trào phản văn hóa được hưởng ứng mạnh mẽ bởi giới trẻ Châu Âu. Thời trang ở giai đoạn này trở nên tự do và đa dạng hơn bao giờ hết.

Đọc thêm: Những hình ảnh ghi lại giai đoạn đỉnh cao của Acid House

Văn hóa hip hop bước đầu trở nên thịnh hành, khiến các trang phục mang tính thể thao như áo-quần nỉ, hoodie, áo khoác bóng chày, áo khoác bomber, quần túi hộp, giày thể thao dần trở thành những món thời trang phổ biến của giới trẻ. Nhiều tiểu văn hóa tồn tại song song trong thời gian này, đặc biệt là các Ravers & Acid House tại Anh, cũng góp phần mang đến đa dạng sắc màu thời trang đi club ngày càng phi giới tính hơn. Biểu tượng mặt cười màu vàng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của cộng đồng “quẩy” nhạc, khi chúng cũng chính là biểu tượng cho phong trào The Second Summer of Love, ở đó các cộng đồng trẻ tuổi tại các nước đều đồng loạt tổ chức những bữa tiệc âm nhạc phi pháp bất tận như một động thái chống đối lại chính phủ.

Thập niên 1990 – 2000

Nếu ở thập niên trước là thời kỳ mâu thuẫn chính trị cực độ giữa nhà nước và thế hệ trẻ mang nhiều tư tưởng mới, thì thập niên 1990 đánh dấu thời kỳ thương mại hóa của DJ và các hộp đêm. Không còn là những tụ điểm ngầm mang tính văn hóa của cộng đồng, giờ đây các hộp đêm với đa dạng dòng nhạc điện tử bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Các hãng thu âm cũng được thành lập với những tên tuổi DJ của riêng.

Ở thời kỳ này, lễ hội âm nhạc Love Parade hàng năm tại Berlin trở thành nét văn hóa biểu tượng của cộng đồng nhạc điện tử trên toàn thế giới, với sự hưởng ứng đông đảo của người trẻ nước Đức. Thời trang của những thế hệ “ravers” thì cứ tiếp tục phóng khoáng và phóng khoáng hơn. Những bộ trang phục từ da và latex cũng được mặc nhiều hơn bởi cộng đồng LGBT, như một lời thách thức cho những định kiến giới vẫn còn là một vấn đề lớn ở Châu Âu vào thời điểm này.

Từ thập niên 2000 – nay

Sau thời kỳ đỉnh cao chắc chắn sẽ là giai đoạn thoái trào. Với việc có quá nhiều hộp đêm được mở ra từ thập niên trước, cộng với chi phí hoạt động ngày một đắt đỏ, đã có nhiều club phải đóng cửa tại khắp các “thủ phủ” của văn hóa Club như Anh, Đức và Mỹ. Thảm họa 9/11 thay đổi hoàn toàn góc nhìn của thời đại về tình hình an ninh thế giới – họ không còn dám mạo hiểm với những bữa tiệc âm nhạc đông người như trước mà quay về hình thức hộp đêm ngầm dành cho các cộng đồng nhỏ. Lễ hội Love Parade cũng dần mất đi ý nghĩa cộng đồng ban đầu, bị thương mại hóa, và kết thúc đầy đáng tiếc sau sự kiện chết người năm 2010. Tuy nhiên, tại Berlin, một câu lạc bộ mới được ra đời vào năm 2004, mang tên Berghain và trở thành hộp đêm nổi tiếng bậc nhất thế giới cho đến ngày nay. Trong giai đoạn này, phong cách thời trang của văn hóa club hầu như không hề có sự thay đổi nhiều, trừ khi là đơn giản hơn, và bị ảnh hưởng phần lớn từ văn hóa hip hop.

Đọc thêm: Rave the Planet mang tinh thần Love Parade truyền thống trở lại với Berlin

Ngày nay, các cộng đồng nhạc điện tử, dù không đạt đến thời kỳ đỉnh cao như thập niên 1980 – 1990, vẫn duy trì như một tiểu văn hóa riêng biệt tại các nước trên thế giới. Berghain và Đức vẫn luôn là kinh đô nhạc điện tử thế giới, với sự tiêu thụ dòng nhạc techno đầy mạnh mẽ. Ngoài ra, thời đại thập niên 2010 đến nay mang dấu ấn đậm nét của sự hợp tác, rộng mở, cũng từ đó chấp nhận nhiều hơn những sự khác biệt về giới tính, sắc tộc, văn hóa… Thời trang cũng chịu sự ảnh hưởng lớn từ bước ngoặt thay đổi trong tư tưởng xã hội và trở nên phi giới tính ngày một rõ rệt hơn. Nữ mặc quần, thì nam cũng có thể mặc váy. Dù văn hóa hip hop, sau đó đến đại dịch COVID-19 phần nào khiến đại chúng bắt đầu ưa dùng thời trang thường nhật ngoại cỡ và tối giản hơn, khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn lập lòe tại các hộp đêm bật lên cùng những màn DJ xập xình, đa dạng kiểu cách từ mọi phong cách thời trang từ trước đến nay vẫn xuất hiện đầy phong phú trên người của các “dân chơi”.

[Ảnh từ Keystone, Strasse Tanzten]

Liêu Chưởng là Social Manager của Mixmag Asia Việt Nam và cây bút chuyên viết về thời trang. Theo dõi Chưởng trên Instagram.

Next Page
Loading...
Loading...