Search Menu
Home Latest News Menu
Features

Lý Trang và hành trình khám phá những biên độ của âm thanh

Nhà sản xuất, nghệ sĩ trẻ Lý Trang nói về hành trình khám phá âm nhạc đầy nội lực của mình

  • Written by: Thục Quân
  • 26 September 2023

Sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, Lý Trang có một sự gắn bó với những âm thanh miền núi Đông Bắc này trong một chặng đường dài từ khi chuyển đến Hà Nội học năm 17 tuổi, tiếp nối là những hành trình khám phá nhạc cụ dân tộc ở những vùng đất mới mẻ như tỉnh cao nguyên Nam Trung Bộ, hay Moscow nơi cô sinh sống và học tập gần 3 năm. Những chuyến đi của Lý Trang dường như song hành với mưu cầu tiếp cận ngôn ngữ âm nhạc bản địa, xuất phát từ "sự kỳ diệu của âm nhạc, âm thanh, trình diễn, sân khấu từ rất lâu mà tôi còn nhớ được"

Sự kì diệu của âm nhạc đan xen trong đời sống nghệ sĩ âm thanh, nhà sản xuất tài năng này ở đủ mọi biên độ, từ việc tham gia vài cuộc thi tiếng hát tuổi học trò ở trường tiểu học cho đến khi bắt đầu tự học guitar năm 14 tuổi và viết một số bài hát đầu tiên năm 17 tuổi. "Tôi đã đón nhận những bước đi đầu tiên ngây ngô bằng nhiều trực giác và lắng nghe, rồi dần dần tìm hiểu và học thêm các nhạc cụ khác nhau như violin, synthesizer, lyre, sáo..."

Sau album đầu tiên “Snail Skeleton”, Lý Trang ra mắt album thứ hai "Syenite" dưới label Subtext Recordings, một album với 10 track nhạc ambient đặc trưng phong cách âm nhạc của cô khi đan xen giữa những phác thảo âm thanh thể nghiệm và lẩn khuất trong đó là một quá trình sáng tạo trong cuộc khám phá nội tại xuyên suốt.

Bạn biết mình sẽ trở thành producer từ khi nào?

Năm đầu đại học tôi tham gia một workshop về thiết kế âm thanh tại trung tâm phim tài liệu-thể nghiệm DOCLAB. Tôi được học qua cách sử dụng phần mềm, cách thiết kế âm thanh cho phim và bắt đầu tập trung nhiều hơn vào âm thanh và sản xuất ngoài việc sáng tác đơn thuần.

Khoảnh khắc âm nhạc có dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của bạn?

Tôi nghĩ là quá trình sáng tạo và song hành với âm nhạc là những diễn biến liên tục nên rất khó để chọn chỉ một khoảnh khắc có dấu ấn. Quá trình này khiến tôi dần cởi mở hơn nhờ tiếp cận với nhiều âm nhạc mới, tâm trí tự do hơn nhờ ảnh hưởng ít nhiều từ những người bạn làm nhạc trong và ngoài nước, cách giao tiếp với nhạc cụ và tráo đổi vai trò trở nên trực tiếp hơn nhờ những thực hành và tìm hiểu lâu dài.

Âm nhạc của Trang ghi đậm dấu ấn bởi những thể nghiệm âm thanh độc đáo kết hợp giữa nhạc cụ điện tử và nhạc cụ truyền thống như đàn tính, bạn chịu ảnh hưởng từ những thể loại, âm thanh hay nghệ sĩ nào cụ thể?

Âm nhạc bản địa có ảnh hưởng vô thức đến tôi ngày nhỏ. Đó là những âm thanh mộc, nảy với cách đi giai điệu mang nhiều âm vang miền núi của đàn tính. Khi bắt đầu học guitar, tôi học alternative tuning từ Joni Mitchell và cách biến tấu ở các cung bậc khác nhau của David Pajo. Khi học thêm nhiều nhạc cụ điện tử hơn, tôi chịu ảnh hưởng từ nhiều thể loại và nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng học được từ họ cách tiếp cận âm nhạc như một phiến đá trống, hoàn toàn cởi mở mà không bị ràng buộc bởi quy tắc và bối cảnh. Ví dụ như cách đặt contact mic ở những nơi xa lạ rồi chạy qua pedals, cách tạo tiếng vang từ thân nhạc cụ bằng những vật dụng khác nhau, bất kể guitar, vocal, sáo, trống, … cách giao tiếp với nhạc cụ và âm thanh tận tụy đồng thời phóng khoáng, cách họ dẫn dắt một track nhạc và hoà làm một với âm thanh.

Bạn sẽ tự miêu tả những âm thanh của mình như thế nào nếu chỉ dùng 3 tính từ?

Um tùm, bong tróc và dàn trải.

Đọc thêm: Quện nói về những bữa tiệc underground cho người "khát nhạc" của Đà Lạt

Nếu như album đầu tiên của bạn “Snail Skeleton” mang tính thử nghiệm trong âm thanh, album thứ hai “Syenite" kể một câu chuyện với narrative xuyên suốt hơn, mang màu sắc có phần u tối hơn. Bạn có cho đó là cách âm thanh của Lý Trang thay đổi theo thời gian không?

Khoảng thời gian làm album Syenite là một hành trình 3 năm với những khoảng gián đoạn giữa chừng vì tôi nhận thấy cần nhiều tiếng lặng hơn cho sự xuyên suốt. Tôi không nghĩ đến việc định hướng Syenite sẽ có màu u tối lúc bắt đầu làm, nhưng không thể phủ nhận là album phản ánh những giãi bày của một quãng thời gian căng thẳng và gian truân sống ở một phần thế giới bị cô lập, nơi tin tức chiến tranh nặng nề rải rác hằng ngày. Dù không cố ý đặt bối cảnh cho album, nhưng vô hình chung tôi đã cóp nhặt những cảm xúc của chính mình trong khoảng thời gian đó. Tôi nghĩ âm thanh của mình sẽ tiếp tục thay đổi và và lớn chậm, nhưng không có nghĩa là nó sẽ ngày càng u tối hay hướng đến những tuyệt vọng của thế giới đang vận động.

Bạn từng là một phần của Collective “Rắn Cạp Đuôi", collective đầy tài năng trong bối cảnh nhạc underground Sài Gòn, điều này mang đến cho Trang những trải nghiệm gì?

Tôi đã tham gia Rắn Cạp Đuôi thời noise rock khoảng năm 2018. Các thành viên khá tự do, thích ứng biến và lọc lại những khoảnh khắc hay ho từ các track thu âm. Tôi thích và ghi nhớ cách các thành viên để sự tương tác và âm thanh tự diễn biến, tự nhiên hoá ý tưởng và không bị ràng buộc bởi những thông điệp nhất định.

Trang tìm thấy cảm hứng âm nhạc từ đâu?

Từ tiếng dế, tiếng ếch ộp ở quê, từ tiếng máy bơm nước, tiếng chuông, tiếng tàu hỏa, tiếng phụ nữ hát cho con nghe đến cách quan sát và lắng nghe các nghệ sĩ sáng tạo ở các thời điểm khác nhau.

Đọc thêm: Manikk nói về những thói quen chơi nhạc không phải ai cũng biết của mình

Với Trang, âm nhạc có ý nghĩa như thế nào?

Bản thân tôi nghĩ rằng âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật trực tiếp và tức khắc nhất. Một cách truyền tải trạng thái thuần tuý của con người và muôn vàn biên độ của âm thanh, một phương tiện tiềm năng cho sự đồng cảm giữa những cá thể khác nhau, một không gian hoàn toàn kiên nhẫn cho phép người ta ở tại đó vào ngay lúc đó, một cách biểu đạt sáng tạo không bị giới hạn bởi rào cản về giao tiếp và không nhất thiết bị ràng buộc bởi ý nghĩa và bối cảnh.

Sound Installation là khái niệm khá mới mẻ với nghệ thuật đương đại Việt Nam, hành trình khám phá của bạn với Sound Installation diễn ra thế nào?

Trước khi bắt đầu thực hành, tôi đã tìm hiểu và theo dõi nhiều sound artists như Zimoun, Samson Young, Lawrence Abu Hamdan. Tôi thích ý tưởng về việc tạo dựng/tái hiện không gian được tồn tại liên tục dưới dạng âm thanh, cách họ liên hệ chặt chẽ giữa chủ thể, âm thanh, thính giác, ngôn ngữ và chính trị, trong một thời đại mà tiếng nói dễ trở thành ống chẩn bệnh, tai nghe dễ thiếu kiên nhẫn với nội tâm của chủ thể và sự giám sát nhân rộng đã trở thành một nghi thức thường tình. Tôi muốn lắng nghe nhiều và lắng nghe lại, nên đã thử trải nghiệm sound installation trong lần lưu trú đầu của tôi ở A.farm Sài Gòn.

Trong những dự án âm nhạc bạn từng thực hiện, có dự án nào để lại cho bạn những kỉ niệm khó quên nhất?

Dự án làm nhạc phim cho phim tài liệu “Tôi có một dân tộc" (đạo diễn Vy Nguyễn Anh Phong) có lẽ là dự án khó quên nhất, vì tôi được cùng với đoàn phim đến Quảng Trị, trò chuyện với cộng đồng người Pakoh và nghe họ chơi nhạc cụ.

Là một nhà sản xuất âm nhạc nữ trong bối cảnh số lượng nhà sản xuất âm nhạc nữ vẫn còn khá hiếm ở Việt Nam nói riêng. Bạn coi điều này là cơ hội hay thách thức?

Hiện tại tôi thấy cơ hội.

Những kế hoạch của bạn trong tương lai gần?

Tôi muốn học chơi các nhạc cụ một cách tỉ mỉ hơn, tham gia thêm các dự án làm nhạc phim đồng thời có thêm cơ hội biểu diễn Syenite ở Việt Nam.

Thục Quân là Giám tuyển Văn hoá của Mixmag Asia Việt Nam.

Next Page
Loading...
Loading...