Search Menu
Home Latest News Menu
Việt Nam

"Giải mã" làn sóng chơi nhạc live trong bối cảnh nhạc điện tử Việt Nam

Cây bút Teddy Bùi khám phá những chuyển động của nhạc live điện tử ở Việt Nam

  • Written by: Teddy Bùi
  • 26 September 2023

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghệ sĩ chọn chơi live để truyền tải các gig nhạc của mình tới người yêu nhạc điện tử tại Việt Nam, nhạc live dường như đang trở thành làn sóng kích hoạt một bầu không khí mới, một trải nghiệm nghe nhạc điện tử mới, và thử thách mới với những nghệ sĩ hay nhà sản xuất âm nhạc. Những nghệ sĩ như Chin, Trí Minh, Quan... đang ngày càng định hình tên tuổi của mình với những set nhạc live khuấy động sàn nhảy. Nhưng bí mật của nhạc live là gì và liệu đây có thể sẽ trở thành làn sóng bền vững trong thế giới nhạc điện tử Việt Nam?

Nếu như khi các DJ chơi các bản nhạc đã được "master" hoàn chỉnh gần như không thể tác động hay biến đổi những âm thanh riêng lẻ trong bài nhạc mà chỉ có thể điều chỉnh âm lượng của từng tần số âm thanh, khác biệt khi chơi live nằm ở chỗ nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa khâu sản xuất và biểu diễn âm nhạc khi Nghệ sĩ có thể thêm hoặc cắt đi nhóm âm thanh nào mình không muốn nữa, giai điệu mà không bị lệ thuộc vào cấu trúc của từng bài nhạc hoàn chỉnh.

Theo Chin, một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên chơi nhạc điện tử live ở Boiler Room tổ chức tại Saigon năm 2019: “Nghệ sĩ có thể thêm hoặc cắt đi nào mình không muốn nữa, từ đó bản thân sẽ tự tạo ra dòng chảy riêng trong từng set nhạc. Đồng thời, do nhà sản xuất tạo nên 100% các bài nhạc nên họ hiểu rõ cấu trúc của từng bài và từ đó có thể ứng biến theo ý muốn. Do đó, mỗi set nhạc live nghe sẽ rất khác nhau, vì đôi khi chính nghệ sĩ sẽ phối lại các track nhạc trong khi trình diễn.”

Sự khác biệt này đem đến trải nghiệm mới mẻ hơn cho cả người nghe vì được chứng kiến trực tiếp quy trình sản xuất âm nhạc của mỗi nghệ sĩ khi họ trực tiếp sử dụng và điều chỉnh từng thiết bị, nhạc cụ điện tử tạo ra các âm thanh của bài nhạc, đồng nghĩa với sự tối ưu hóa kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả trong tiết mục, đồng thời tôn vinh những khoảnh khắc ngẫu hứng khi trình diễn của người chơi live.

Yếu tố trực tiếp đến cùng những sự phức tạp nhất định, "bởi các nghệ sĩ phải tổ chức và liên kết những thiết bị nhạc cụ điện tử để tạo ra mỗi âm thanh khác nhau theo thời gian thực. Nhưng đổi lại, họ có thể vừa tự do sáng tạo không giới hạn, vừa hòa theo mạch cảm xúc và phản ứng của khán giả," Ro-TUNE, nhóm nhạc chơi techno live đến từ Sài Gòn chia sẻ.

"Thể nghiệm" và "ứng biến" là hai từ khoá đặc biệt gắn với việc chơi live, và một set nhạc live có thể ví như một chuyến du hành không có đích đến rõ ràng, nơi mọi thứ vừa quen thuộc cũng vừa lạ lẫm ngay cả đối với người trình diễn. “Nhưng đôi khi tính "ứng biến" có thể sẽ là con dao hai lưỡi nếu sử dụng không đúng thời điểm. Việc sắp xếp và chuẩn bị cho set nhạc trước buổi diễn là điều luôn phải chú trọng để có thể mang đến một trải nghiệm hoàn hảo cho người nghe và đem đến những âm thanh tốt nhất từ phòng thu đến buổi diễn. Mỗi lần chơi live là một dịp mà ở đó người nghệ sĩ muốn người nghe cảm nhận được không khí của từng khoảnh khắc trong bài nhạc đã được tạo ra trong phòng thu," Chin nhấn mạnh.

“Với các set-up phức tạp với nhiều thiết bị, việc di chuyển đến nơi diễn sẽ cồng kềnh và vất vả hơn. Thời gian soundcheck thường rất lâu vì đôi khi có những trục trặc kỹ thuật xảy ra. Lúc diễn thì có khi một vài thiết bị lại gặp trục trặc kỹ thuật, nếu không xử lý được thì lúc đó phải ứng biến với những gì còn lại," Chin nói thêm về các thách thức gặp phải khi biểu diễn live.

Đọc thêm: Lý Trang và hành trình khám phá những biên độ của âm thanh

Cũng vì điều này, quá trình chuẩn bị một set nhạc live cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn, nhất là khi các bài nhạc đều phải do chính người biểu diễn sáng tác (họ vẫn có thể sử dụng những sản phẩm từ các nhà sản xuất khác làm ra nếu những người này đồng ý chia sẻ file gốc của bài nhạc để điều chỉnh trực tiếp). Ngoài ra, các tiết mục live còn thu hút khán giả bởi cách tổ chức và sắp xếp các thiết bị, công cụ làm nhạc đặc trưng không ai giống ai của mỗi nghệ sĩ / ban nhạc biểu diễn. Bước vào không gian chính của các sự kiện chơi live, không khó để người nghe có thể nhận ra sự khác biệt so với các sự kiện chơi DJ thông thường, bởi số lượng đồ sộ các thiết bị và công cụ biểu diễn live đã được bài trí và kết nối với nhau, sẵn sàng cho màn biểu diễn sắp diễn ra.

Ví dụ với Ro-TUNE, cách tổ chức và phân chia các nhóm "âm thanh" đảm nhận bởi mỗi thành viên trong nhóm. Trong khi Hillusion đảm nhiệm vai trò main theme và synth lead, thành viên Kaiser T sử dụng Toraiz AS-1 và Eventide TimeFactor. Ro-TUNE cũng sử dụng VectorSynth cùng với Eventide Blackhole cho âm thanh ambience, Elektron Analog Four MkII cho âm thanh bassline, synth stab, và Gray Wyot đảm nhiệm vai trò này cùng với Toraiz SQUID.

Chính vì yếu tố thể nghiệm và ngẫu hứng được đề cao, các band nhạc chơi nhạc thể nghiệm gồm nhiều thành viên, trong đó mỗi thành viên phụ trách một vài nhóm âm thanh khác nhau, đã được thành lập cùng với những triết lý chơi nhạc đa dạng đầy màu sắc như Ro-TUNE (nhóm có số lượng thành viên không cố định, mỗi màn biểu diễn là một sự kết hợp khác biệt); Tiny Giants (kết hợp giữa giọng ca mang âm hưởng truyền thống của Linh Ha và beat điện tử hiện đại của Tomes); hay mới nhất là Dicers Band (ban nhạc gồm nhiều thành viên với phong cách chơi nhạc đa dạng, hoàn toàn ứng biến không có sự chuẩn bị trước). Họ thường giao lưu với nhau tại các buổi "Open Jam", nơi mỗi người tự mang theo âm thanh của riêng mình và ứng biến cùng nhau để phối chúng lại và không hề có sự chuẩn bị trước, tương tự như cách các nghệ sĩ nhạc jazz thường làm.

“Được chơi nhạc cùng các nghệ sĩ khác là một phần thiết yếu trong hành trình phát triển âm nhạc của tôi. Bạn có thể học được rất nhiều từ họ, nhưng điều quan trọng hơn đó là sự kết nối “sâu sắc” với nhau, để mỗi nghệ sĩ có thể phát triển tiếp nối trên ý tưởng sẵn có từ người khác, và từ đó cùng nhau tạo ra những giai điệu và khoảnh khắc đầy bất ngờ và thú vị. Tại lễ hội Studio Adventure tổ chức ở Hội An năm ngoái, đội Binary Wave còn có cơ hội chơi live theo một phong cách hoàn toàn mới với thể loại Ambient cho chủ đề Nurture/Liminal Dreams,” Jerome chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ khi trình diễn live cùng các nghệ sĩ khác trong nhóm.

Đọc thêm: Mixmag Asia Việt Nam Radio: Maggie Trà và set nhạc live "thử thách" với chính mình

Trong số những bậc tiền bối đã tiên phong khám phá vùng đất âm nhạc mới mẻ này, không thể không nhắc đến hai nghệ sĩ xuất sắc Trí Minh và Quan (còn được biết đến với biệt danh Quanalog - Nguyễn Đỗ Minh Quân). Tiếp xúc với nhạc điện tử từ những năm 90, Trí Minh nổi lên nhưng một nghệ sĩ chơi nhạc điện tử thể nghiệm, kết hợp tinh tế giữa house/techno với các thể loại âm nhạc dân tộc Việt Nam khác nhau. Trong khi đó, Minh Quân là nhân tố nổi bật trong sự phát triển của phong trào chơi live trong nước với những set nhạc experimental ambient, minimal techno, deep-house đầy ngẫu hứng không theo lối mòn. Ngoài ra, anh còn được thị trường quốc tế biết đến như là một chuyên gia thiết kế và vận hành các modular synthesizer racks (thiết bị tạo ra âm thanh analog theo từng mô-đun) và cũng là nghệ sĩ live Việt Nam đầu tiên chơi tại club danh tiếng Berghain (Berlin).

Cảm hứng lan tỏa đến những nghệ sĩ chơi live trẻ như Chin (Nguyễn Chinh Danh) với màu nhạc techno đầy năng lượng, cùng phong cách biểu diễn độc đáo với chiếc Ableton Push, hay các nghệ sĩ của nhóm Binary Wave với những cái tên như Watxman (Jeroen), Tarnoise Spaceman (Trần Trung Hiếu), Indy Laville hay Antonio Madrid, trình diễn trực tiếp với trống điện tử (drum machine), guitar điện và đàn điện tử (synthesizer).

Những màn trình diễn live đang dần thu hút được sự chú ý và tham gia của các cộng đồng nghe nhạc ở Việt Nam, mở ra những cơ hội đáng kể cho các nghệ sĩ biểu diễn khi được tiếp cận đến một lượng khán giả ngày càng tăng, cũng như có thể tham gia vào các sự kiện và lễ hội âm nhạc danh tiếng. Tuy nhiên, một trong những thách thức khác là chi phí đầu tư về không gian trình diễn và hình ảnh hỗ trợ cho màn trình diễn. Biểu diễn âm nhạc điện tử thể nghiệm đòi hỏi một không gian trình diễn đủ rộng, cũng như kết hợp âm nhạc với các hiệu ứng visual để tạo ra trải nghiệm đa giác quan sống động và kết nối sâu sắc với khán giả.

Jeroen lạc quan khi chia sẻ về tương lai: “Cộng đồng tuy còn nhỏ nhưng rất sôi động và rất nhiều hoạt động, sự kiện đang diễn ra trên khắp cả nước: từ Hà Nội với HUM Studio, Đà Nẵng với Tiny Giants cho đến Ro-Tune, Dicers và Binary Wave ở Sài Gòn. Những đêm nhạc chỉ dành riêng cho các tiết mục live đã và đang được thai nghén và tổ chức.”

Teddy Bùi là cây bút tự do của Mixmag Asia Việt Nam và một thành viên của bộ đôi Techno KONKRETE. Theo dõi Teddy trên Instagram.

Next Page
Loading...
Loading...