Công ty Tencent Music Entertainment từ Trung Quốc phát hành hơn 1000 ca khúc sử dụng giọng hát AI
Một ca khúc trong đó có tới 100 triệu lượt phát trực tuyến
Trí tuệ nhân tạo liên tục làm chúng ta kinh ngạc với khả năng thực hiện những nhiệm vụ mang tính sáng tạo tưởng chừng bất khả thi với robot, và ngày càng thể hiện khả năng vượt trội trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế và thậm chí cả âm nhạc, như một sự nhắc nhở rằng công việc sáng tạo của con người có thể sẽ sớm bị thay thế. Không chỉ có thể tạo nên âm nhạc (đồng nghĩa với việc vai trò điều khiển của con người sẽ sớm trở nên lỗi thời), Trí tuệ nhân tạo giờ đây cũng có thể đóng vai trò như một ca sĩ.
Công ty Tencent Music Entertainment (TME) ở Trung Quốc mới đây vừa đưa ra thông báo một trong số hơn 1.000 bài hát được công ty này tạo ra bằng cách sử dụng giọng hát của AI đã vượt qua một triệu lượt phát trực tuyến. Theo chủ tịch điều hành của TME, Cussion Pang, track nhạc đầu tiên của một ca sĩ AI có tên “Today” có hơn 100 triệu lượt nghe kể từ thời điểm ra mắt.
Bài hát này được tạo bằng "công nghệ tổng hợp giọng nói đã được cấp bằng sáng chế" có tên Lingyin Engine. Công nghệ mới này có thể "tái tạo giọng ca sĩ một cách nhanh chóng và sống động để tạo ra các bài hát gốc thuộc bất kỳ thể loại nhạc và ngôn ngữ nào". TME thậm chí sử dụng công nghệ này để tái tạo lại tiếng nói của những nghệ sĩ đã khuất, với việc phát hành một bài hát “May You Be Treated By This World” của nghệ sĩ đã qua đời vào năm 2003 - Anita Mui.
Streaming Calculator thậm chí ước tính rằng, nếu ca khúc này được phát độc quyền trên Spotify, nó có thể mang lại doanh thu lên đến 348.000 đô la Mỹ.
TME không phải là công ty đầu tiên khám phá giọng hát AI trong âm nhạc. Công ty K-pop HYBE gần đây đầu tư gấp đôi vào kế hoạch khám phá mô phỏng con người trong âm nhạc với việc mua lại công ty Trí tuệ nhân tạo Supertone có trụ sở tại Hàn Quốc với số tiền lên đến 32 triệu đô la vào tháng 10 năm ngoái. Sau khi có thông báo rằng BTS (nghệ sĩ lớn nhất của HYBE) sẽ nhập ngũ để hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Giám đốc điều hành của HYBE, Jiwon Park cho biết Supertone sẽ "đóng vai trò là một phần quan trọng trong lĩnh vực công nghệ mà chúng tôi hướng tới".
Điều này có đồng nghĩa với việc BTS vẫn có thể "phát hành" sản phẩm âm nhạc mới trong thời gian nhập ngũ? Và liệu chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau giữa một bài hát thật của BTS và một giai điệu của BTS do AI tạo ra hay không? Cách thức nghe có vẻ rẻ hơn này liệu có thể tạo ra nhiều ca khúc gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc không? Liệu điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta đang chứng kiến cái chết của nghệ thuật ngay trước mắt? Chỉ có thời gian mới trả lời được, nhưng với tốc độ này, quỹ thời gian của chúng ta có thể sẽ không còn nhiều.
[theo Music Business Worldwide]