Search Menu
Home Latest News Menu
Features

Thể loại nhạc điện tử yêu thích của bạn có nguồn gốc như thế nào?

Nguồn gốc tên gọi của house, techno, dubstep và những thể loại nhạc điện tử khác

  • Written by: MixMag | Translated by: Vân Anh
  • 24 August 2022

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao thể loại nhạc điện tử yêu thích của bạn lại có tên như vậy? Lịch sử của nhạc dance chứa đựng rất nhiều những câu chuyện về sự ra đời của các thể loại, từ house, techno cho đến dubstep… Và trong tất cả những câu chuyện đó, luôn có một khoảnh khắc hay khoảng thời gian ngắn ngủi mà tên gọi của những thể loại này lần lượt ra đời.

Lấy một ví dụ, cái tên trip hop lần đầu tiên được sử dụng trong một bài báo đăng trên Mixmag; Gabber - một từ tiếng lóng của Hà Lan - được sử dụng để mô tả một phong trào âm nhạc; Goa trance được sinh ra trên những bãi biển đầy nắng ở miền tây Ấn Độ. Mỗi cái tên trong danh sách nhiều thể loại nhạc dance dưới đây đều gắn với một dấu ấn đặc biệt như vậy. Dù nguồn gốc của một số thể loại vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng chúng tôi tin rằng những câu chuyện dưới đây sẽ đủ để làm thoả mãn phần nào trí tò mò của bạn.

Braindance

Aphex Twin tạo ra từ "braindance" nhằm phản kháng lại thuật ngữ IDM vốn không nhận được nhiều thiện cảm. Ông cho rằng IDM là một cái tên vừa bảnh choẹ vừa là sự xúc phạm đối với tất cả các thể loại nhạc dance khác. Về cơ bản, braindance giống với IDM, và hãng thu Rephlex Records từng miêu tả về braindance là thể loại “bao gồm những yếu tố tuyệt vời nhất của tất cả các thể loại khác”.

Chiptune

"Chiptune" được tạo nên từ các ‘chip âm thanh’ cổ điển lấy từ máy chơi game và máy thùng cũ. Những tiếng ồn được tạo nên từ những cỗ máy này được biến thành “giai điệu” khá giống với những âm thanh hiện đại được vi tính hóa của âm nhạc điện tử.

Deep Tech

Deep tech là thể loại thuộc nhánh nhạc house, có âm trầm, tối, được các DJ ở London như Mark Radford chơi tiên phong (ví dụ điển hình là những track ra mắt bởi hãng Audio Rehab của Radford). Thể loại này nhanh chóng được biết đến ở thủ đô nước Anh và lan rộng hơn đến những thành phố khác. Tên gọi Deep Tech chỉ ra đời khi Radford liên tục phải giải thích cho mọi người về thể loại nhạc mà anh sẽ chơi trong các set nhạc và trong show Rinse của chính anh. "Tôi luôn miêu tả về nó như sự giao thoa giữa deep house và công nghệ, vì vậy deep house dần trở thành cái tên mọi người gắn cho nó”, anh nói. Đơn giản, nhưng hiệu quả.

Deep House

Theo thông tin được chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với DJ huyền thoại người Mỹ Ron Trent, "deep house" là tên gọi của chất nhạc mang tính "cổ điển, disco và ít người biết đến", được chơi tại các câu lạc bộ huyền thoại trước đây như Shelter, The Loft và Paradise Garage. Trent cho rằng “Love Is The Message” của MFSB chính là khởi điểm của deep house bởi tính "trang nhã và vượt thời gian" của nó.

Dubstep

Dubstep đã trở thành cái tên chung cho những biến thể của thể loại dark garage mà các nhà sản xuất El-B, Benny Ill, Hatcha, Skream và Benga ở phía Nam London, bên cạnh những nhà sản xuất khác, tạo ra vào đầu những năm 2000. Neil Joliffe, người đồng sáng lập hãng thu dubstep danh tiếng Tempa, là người đầu tiên đặt tên cho thể loại này trong một cuộc trò chuyện tại văn phòng của hãng. Trong một cuộc phỏng vấn với Vice, Oris Jay nhớ lại về cuộc trò chuyện đó: “Chúng tôi đang nói về Benny Ill, và một tạp chí sắp ra mắt. ‘Nó giống với 2-step, nhưng nó cả dub trong đó. Gọi chung thì nó chính là ... dubstep.’ "Tại thời điểm đó, chúng tôi đã nghĩ, ‘Đúng là nó có những âm bass chủ đạo, cùng nhịp điệu mạnh và dồn dập hơn. Tại sao chúng ta không gọi nó là dubstep nhỉ?’”

Tạp chí Jay muốn nói đến là XLR8R, cũng là nơi đã đưa Hors Horse Productions của Benny Ill lên trang bìa vào năm 2002 để kỷ niệm dịp phát hành album đầu tay “In Fine Style” (bản phát hành đầu tiên trên Tempa). Trong một thông cáo báo chí đăng trên tạp chí này, Joliffe sử dụng tên dubstep để mô tả âm nhạc của Horsepower và vào năm 2004, Tempa phát hành “Dubstep Allstars Vol. 1”. Trong album này, DJ người Anh Hatcha mang đến set nhạc kết hợp giữa những tên tuổi đáng nói ở trên, bên cạnh Kode9 và Mark One.

ESKIBEAT

Khi UK garage trở nên tối tăm và âm u hơn, Wiley là nhân vật tiên phong tạo nên âm thanh mới được biết đến với tên gọi grime. Wiley tất nhiên cũng muốn dùng hãng thu của chính mình để sản xuất chất nhạc Wiley chơi vốn chịu ảnh hưởng khá lớn từ hop-hop so với những thể loại grime khác.

Từ "eskibeat" bắt nguồn từ từ Eskimo, một tiêu đề mà Wiley sử vào năm 2002 cho những âm thanh được coi là nguyên mẫu của thể loại này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hyperdub vào năm 2003, nghệ sĩ đến từ London có biệt danh Eskiboy này giải thích anh bị thu hút bởi cụm từ này do nó gợi liên tưởng đến sự lạnh lẽo: “Tôi thích mùa đông nhưng nếu thời tiết lạnh quá… đôi khi tôi chỉ cảm thấy lãnh cảm. Những lúc như vậy, tôi thấy cách biệt với gia đình và mọi người. Vì thấy lãnh cảm nên mọi thứ xung quanh cũng sẽ lạnh lẽo như vậy. Tất nhiên cũng có lúc tôi thấy ấm áp, nhưng đôi khi tôi thực sự tắt cơ chế đó đi. Để thấy giận dữ, và lạnh lẽo.”

Gabber

Gabber nổi lên ở Rotterdam vào đầu những năm 1990. Bản thân từ này là tiếng lóng ở Amsterdam, có nghĩa "bạn bè" hoặc "bạn thân" và thể loại này xuất hiện lần đầu tiên khi DJ đến từ Amsterdam K.C. The Funkaholic mô tả khung cảnh Rotterdam như “một đám Gabber đang tiệc tùng” trong một bài báo đăng trên tạp chí. Mặc dù nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng bình luận này đủ để dấy lên tranh luận giữa hai thành phố. De Euromasters từ Rotterdam đáp trả “Chẳng có gì đáng hổ thẹn khi là một Gabber!” trong đĩa thu “Amsterdam Waar Lech Dat Dan?” ra mắt vào năm 1992. Tên đĩa thu nếu được dịch ra tiếng Anh sẽ có nghĩa “Amsterdam, Where Is That?”, và cùng với đó, nhiều người cũng bắt đầu tự gọi mình là gabber.

Grime

Trong những năm đầu thập niên 90, những nhà sản xuất đời đầu như Wiley và Jon E Cash tạo nên phong cách riêng của họ, được biết đến với tên goi grime (Wiley chơi eskibeat và Jon chơi sublow). Ở giai đoạn đầu này, grime cũng được biết đến với tên gọi 8bar, nhưng liệu đây có phải cái tên đủ hấp dẫn? Nhà báo chuyên viết về âm nhạc kiêm DJ lâu năm ở London, Martin Clark nhớ rằng "khi grime bắt đầu trở nên phổ biến và vượt khỏi UK garage, phần lớn những tín đồ của UK garage đều nói rằng ‘chúng tôi sẽ không chơi grime garage.'" Từ grime cũng được nhiều nhà báo như Clark (viết cho Mixmag vào thời điểm đó) sử dụng, mặc dù có tài liệu cho rằng các nhà sản xuất âm nhạc đã biết đến thuật ngữ này từ trước. Có một điều thú vị là, Wiley đã đặt tên cho đĩa đơn năm 2004 của mình là “Wot Do U Call It?” như một tổng kết về cách thể loại này ra đời.

Goa Trance

Goa Trance bắt nguồn từ Goa, Ấn Độ vào cuối những năm 80. Như bạn có thể tưởng tượng, Goa từng là nơi chốn trú ẩn cho những người có tinh thần tự do bởi chi phí sinh hoạt thấp, yếu tố tâm linh được quan tâm rộng rãi, và chẳng khó để tìm của hashish và LSD ở thời điểm đó. Đây là những yếu tố khiến Goa trở thành vùng đất của thể loại psychedelic và những DJ chơi thể loại nhạc này. Họ đi khắp ngõ ngách Goa, chia sẻ băng cassette với nhau và tổ chức những buổi tiệc tùng trên bãi biển. Khi thể loại này bắt đầu lan rộng ra ngoài Tây Nam Ấn Độ, nguồn gốc Goa của nó đã được công nhận khi người ta gọi luôn nó bằng cái tên Goa. Paul Oakenfold là một trong những người đầu tiên nắm bắt “hiện tượng” Goa Trance vào năm 1994, và cũng chính ông đã đặt tên cho bản Essential Mix ra mắt năm 1994 của mình là Goa Mix.

Happy Hardcore

Khi chọn lựa các tính từ để mô tả những biến thể của nhạc hardcore, chẳng ai nghĩ "happy" có thể là một ứng cử viên sáng giá. Thể loại Hardcore ban đầu được xác định bằng những âm thanh tối tăm, Hardcore dần có những biến thể mới vào năm 1993 khi nhiều nghệ sĩ, trong đó có DJ Slipmatt đưa những đoạn lặp hợp âm piano và những đoạn hợp âm techno cung trưởng vào các sản phẩm âm nhạc của họ, khiến thể loại này trở nên 'vui vẻ' hơn và mang lại cảm giác lạc quan hơn.

HI-NRG

“Hi energy” bắt nguồn từ bối cảnh nhạc disco ở và Vương quốc Anh, tập trung nhiều hơn vào nhịp độ năng lượng ổn định cũng như một chuỗi những âm bass. Đĩa đơn “I Feel Love” của nghệ sĩ Donna Summer ra mắt vào năm 1977 được Giorgio Moroder sản xuất có thể coi là cột mốc mang đến cho thể loại Hi-NRG những thành công về mặt thương mại. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi ca khúc được phát hành, Summer cho rằng ca khúc của mình trở nên phổ biến bởi “nguồn năng lượng sôi nổi” của nó, và từ “high-energy” bắt đầu được sử dụng để miêu tả âm nhạc của những người tiên phong như Sylvester và Patrick Cowley, Cerrone và Moroder, sau này, từ “high-energy” được cách điệu thành “Hi-NRG” như chúng ta thấy bây giờ.

House

Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về nguồn gốc của thể loại “house”, nhưng lý giải được chấp nhận phổ biến nhất gắn với cái tên nghệ sĩ quá cố Frankie Knuckles. Ở giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, Knuckles là Dj chơi thường xuyên ở club nổi tiếng The Warehouse ở Chicago, với hầu hết những bản thu mua từ cửa hàng Importes Etc. Chủ của hàng Dick Guenther thậm chí dán nhãn số đĩa của mình “Đã nghe ở The Warehouse” để có thể bán nhiều bản sao hơn. Theo thời gian, những người hâm mộ Knuckles bắt đầu viết tắt cụm từ miêu tả bộ sưu tập nhạc của anh thành “house”.

illbient

Illbient được DJ Olive đặt ra để mô tả nhạc hip hop dựa trên những âm thanh công nghiệp được thực hiện bởi một nhóm các nghệ sĩ đa ngành ở Williamsburg, Brooklyn. Thuật ngữ này là sự pha trộn giữa tiếng lóng hip hop ‘ill’ và thể loại ambient. Được tạo nên bởi những người tiên phong như DJ Spooky và Spectre, illbient có nhiều hình thức nhưng chủ yếu chịu ảnh hưởng lớn từ hip hop, lập trình beat và lồng âm thanh. Illbient cũng gây chú ý nhờ những màn biểu diễn trực tiếp ở những buổi tiệc tùng trong club, nhà kho và quầy lounge để thư giãn.

Jungle

Thường được so sánh với cảm giác đầy năng lượng của âm thanh bass cùng trống, tên của thể loại này được cho là chịu ảnh hưởng từ âm nhạc Jamaica và nhạc dạ vũ. Arnett Gardens, cư dân của một dự án nhà ở Kingston (Anh) từng miêu tả khu vực này như một “khu rừng bê tông” và tự gọi mình là những “người rừng”. Từ đó, nhà sản xuất người Anh Rebel MC đưa cụm từ “alla di junglists” từ hệ thống âm thanh Kingston vào một trong những bản thu của mình, và thuật ngữ “junglist” nổi lên nhanh chóng. Những người tiên phong của thể loại này như Rebel và Navigator đều sống ở Broadwater Farrm (Tottenham), nơi chẳng khác gì phiên bản “khu rừng bên tông” của chính mình, đó cũng là lý do họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ này.

Microhouse

Biên tập viên tờ Pitchfork Philip Sherburne trong khi viết cho Wire vào tháng 7 năm 2001 đã tạo ra thuật ngữ “microhouse”, nhằm mô tả những sản phẩm âm nhạc techno tối giản, chịu ảnh hưởng từ nhạc house được sản xuất và phát hành bởi Kompakt, Farben và Oval. Mặc dù có cấu trúc giống với techno tối giản và deep house, microhouse nổi lên như một thể loại riêng nhờ những âm thanh lạ và ngắn và thiên hướng đến môi trường xung quanh.

moombahton

Ít ai biết rằng chính DJ Chuckie là người đứng sau việc tạo ra thuật ngữ moombahton? Bản phát hành “Moombah” (2009) của nhà sản xuất này hợp tác với Silvio Ecomo được Dave Nada làm chậm từ 128 bpm xuống 108 bpm trong một buổi trình diễn ở Washington. Thích thú với thể loại reggae được chơi trước đó, Nada ghép nhịp điệu của nó với phần đầu set nhạc của mình. Đó cũng là lúc anh vô tình tạo ra ‘moombahton’, truyền cảm hứng cho ý tưởng kết hợp electro house và sự nhịp nhàng của reggae.

Purple

Có thể cho rằng purple là thể loại phụ hay nhất của dubstep. Purple được tạo ra bởi một nhóm các nhà sản xuất Bristolian bao gồm Joker, Gemmy, Guido và Ginz. Khi được hỏi lý do cái tên này ra đời, Joker chỉ đơn giản nói rằng, "Nếu màu tím có âm thanh, thì chắc nghe giống vậy". Và quả thực, bản hợp tác của Joker với Ginz, “Purple City” chính là ví dụ đỉnh cao của thể loại này.

Techno

Techno ban đầu là tên của một thể loại hoàn toàn khác với thể loại mà chúng ta biết ngày nay. Bộ ba tiên phong từ Belleville (Detroit) gồm Juan Atkins, Derrick May và Kevin Saunderson từng nghĩ họ có lẽ chỉ là một phần của bối cảnh nhạc house ở Chicago. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Atkins đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “techno” trong “Techno City” (1984) từ dự án hợp tác với Rick Davis.

Sau đó, người ta có thể thấy rõ rằng âm nhạc của bộ ba này, vốn lấy cảm hứng từ Kraftwerk (Đức), và cảnh quan thành phố thời hậu công nghiệp ở Detroit là một hiện tượng khác biệt so với nhạc house ở Chicago. DJ Neil Rushton đã thuyết phục công ty con Ten từ Virgin Records cấp phép cho các bản nhạc của họ để phát hành ở Anh trong một album tổng hợp có tựa đề "The House Sound Of Detroit". Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với NME trước khi phát hành album, Atkins khẳng định "Chúng tôi gọi nó là techno". Trái lại, Derrick May lại muốn gọi nó là "hi-tech soul", ông cho rằng "techno đến từ Miami. Tôi nghĩ nó thật xấu xí, nghe như nó đến từ một khu ổ chuột vậy”. Rốt cuộc, Atkins đã thắng trong cuộc tranh luận này, album cuối cùng ra mắt với tên gọi “Techno! The New Dance Sound Of Detroit”.

Trip hop

Trip hop được biên tập viên Andy Pemberton từ Mixmag đặt ra trong một bài báo xuất bản vào tháng 6 năm 1994. Thuật ngữ trip-hop này lần đầu tiên được sử dụng để mô tả bản nhạc “In / Flux” của DJ Shadow và là sự kết hợp của những giai điệu theo phong cách r'n'b cùng những nhịp trống dồn dập. Trip-hop bắt nguồn từ Anh, bắt đầu được phát hành bởi nhãn đĩa Mo 'Wax và Ninja Tune ở London, và ở Bristol, Massive Attack và Portishead là những tên tuổi góp phần khiến thuật ngữ này càng trở nên phổ biến.

Trap

Chỉ cần nghe đến cái tên trap, bạn có thể tưởng tượng những âm thanh bass trầm bổng và lời bài hát mạnh mẽ. Nhạc trap phát triển từ hip hop ở miền Nam nước Mỹ trong những năm 90 và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự căng thẳng trong vấn đề chủng tộc và văn hóa. Thuật ngữ này bắt đầu với chính nghĩa đen của nó: một kí hiệu ám chỉ những địa điểm buôn bán chất gây nghiện. Sau này, trap còn được hiểu như một lời nhắc nhở sắc bén về cái cách người ta có thể dễ dàng bị cuốn đi bởi sự nghèo đói và chất gây nghiện.

Tropical house

Cái tên tropical house ra đời để truyền tải khung cảnh nắng ấm tràn qua khi người ta lắng nghe một giai điệu chủ yếu được tạo nên từ tiếng sáo chảo, marimba và tiếng chuông. DJ người Úc Thomas Jack được ghi nhận là người tạo nên thuật ngữ này với loạt mixtape Tropical House Volumes của mình, nhưng Thomas khẳng định từ này ban đầu chỉ như một lời nói đùa, anh cũng thú nhận chính mình đã phát ngán với cụm từ này.

UK Funky

UK funky là âm thanh của London vào giữa đến cuối những năm 1990, được chơi bởi những nghệ sĩ như Roska, Geeneus, Supa D, Champion, Crazy Cousinz… Phong cách nhạc house đặc trưng kiểu London được miêu tả rất “funky house”. Những tín đồ yêu nhạc điện tử sau đó biến thể cụm từ này bằng những từ khác như “funky dance” hay nhảy cùng một “funky tune”.

Vapourwave

Liên quan trực tiếp đến khái niệm phần mềm hơi, một sản phẩm dù được quảng cáo nhưng có lẽ sẽ không bao giờ thành hiện thực, vapourwave hình thành dựa trên sự gián đoạn và sự phủ nhận với âm nhạc. Nó cũng liên quan đến một câu nói của nhà triết học Karl Marx, "tất cả các chất rắn đều sẽ tan thành không khí", giống như hơi vậy. Bên cạnh đó, phần lớn tính thẩm mỹ của thể loại này mang một giọng điệu chống lại chủ nghĩa tư bản.

Sinogrime

Được sáng tạo bởi DJ kiêm nhà sản xuất Steve Goodman (hay còn gọi là Kode9), sinogrime là một thể loại chưa bao giờ phát triển đầy đủ. Sino có nghĩa là Trung Quốc và sinogrime là sự kết hợp giữa quá khứ và tương lai, giữa các giai điệu phương Đông và cấu trúc của grime, như bạn có thể nghe thấy trong “Shanghai” của Wiley.

Weightless

Weightless phù hợp với việc giải cấu trúc chất lượng hơn là một thể loại và mang tính đối lập với nhạc bass. DJ người Anh Mumdance là người nghĩ ra thuật ngữ này trong nỗ lực tái định nghĩa cách tiếp cận âm nhạc của chính mình. Với mục đích tăng thêm những biến đổi cho các set nhạc của mình, anh bắt đầu sáng tạo những cảnh âm thanh mơ hồ, không có nhịp điệu, đối lập với chất techno và grime trong âm nhạc của mình. Từ đó, thuật ngữ “weightless” ra đời để mô tả thể loại âm nhạc mới và nhẹ nhàng hơn. Anh hiện điều hành hãng Weightless đồng thời cùng hãng Logos.

Next Page
Loading...
Loading...