Menu
Home Latest News Menu
Phỏng vấn

Những sắc thái underground của Tarnoise Spaceman

Nhà sản xuất, nhạc sĩ nhạc điện tử Tarnoise Spaceman chia sẻ về thế giới của mình: “Tôi chưa bao giờ coi underground là một trở ngại”

  • Written by: Vân Anh | Photos by: Minh Ced Trần, ALYONA KUZNETSOVA
  • 6 October 2022

Cặp kính đen, biểu cảm tập trung và chiếc mũ bucket “đặc sản” là hình ảnh thường thấy của Tarnoise Spaceman mỗi buổi biểu diễn những set nhạc live của mình. Dù đã có nhiều set nhạc gây dấu ấn đậm nét với người yêu nhạc điện tử, Trần Trung Hiếu (tên thật của Tarnoise Spaceman) thừa nhận anh chàng vẫn cảm thấy hồi hộp mỗi lần đứng trên bục DJ, tính cách ít nói rụt rè đó cũng là lý do thỉnh thoảng người ta sẽ thấy Hiếu biểu diễn mà chẳng thấy rõ mặt anh chàng.

Bắt đầu tiếp cận với nhạc điện tử từ những bản Dubstep, Deep House vào khoảng năm 2012, Tarnoise Spaceman (Trần Trung Hiếu) đã ngay lập tức cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn bởi những âm thanh giòn giã, lạ lẫm của synthesizer. “Những nhịp đảo phách trong giai điệu của Dubstep dường như kích thích trí tò mò và óc sáng tạo đối với một người đam mê âm nhạc như tôi,” nhà sản xuất này chia sẻ.

Bắt đầu sản xuất âm nhạc từ năm 2016, dưới label Haustek, Hiếu đã ra mắt 4 album, single và EP với chủ yếu những sản phẩm ambient và thể nghiệm, bên cạnh đó là một số bản nhạc điện tử được thử nghiệm trên hệ thống modular synth như “Decomposition” (2021), “Wake up! You’re Next in Line” hay “Comfort Is The Enemy” (2020- 2021)… Sức sáng tạo dồi dào xuất phát từ sự tò mò khám phá khía cạnh kĩ thuật của một kĩ sư âm thanh, và sự nhạy cảm với âm nhạc điện tử. Dù thường xuyên chơi nhạc ở những club nhạc danh tiếng ở cả Hà Nội và Sài Gòn với những sự kiện nhạc điện tử của Haustek hay Binary Waves Collective, cái tên Tarnoise Spaceman chắc chắn vẫn còn là một ẩn số đầy thú vị và tiềm năng trong bối cảnh âm nhạc điện tử Việt Nam.

Bạn chịu ảnh hưởng bởi genres và nghệ sĩ nào?

Âm nhạc là biển cả với vô vàn lời ca và giai điệu. Thuở đầu nghe nhạc của tôi có thể nói rất hỗn độn. Thời đi học tôi đã từng nghe rất nhiều nhạc giao hưởng, thính phòng, hiphop, jazz, blues, psychedelic rock, 60s-80s pop/rock, alternatives.... Một số nghệ sỹ và band nhạc ảnh hưởng nhiều tới tôi có thể kể đến như Miles Davis, Pink Floyd, Radiohead, Stevie Wonder, David Bowie, Nirvana, John Mayer, J.Cole, De La Soul, Mild High Club. Tôi nghĩ rằng thời điểm này là khoảng thời gian tự do khám phá âm nhạc và tôi luôn học hỏi tìm tòi những yếu tố sáng tạo, mới mẻ. Sau này khi đi sâu hơn vào thế giới của ambient, house và techno, tôi nhận ra dường như âm nhạc cũng chỉ là một yếu tố trong không gian đa chiều này và tôi thực sự cảm thấy nó như hoà vào cuộc sống của tôi lúc nào không hay. Với nhạc điện tử, những nghệ sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi như Aphex Twin, William Basinski, Jon Hopkins, Nils Frahm, Colin Benders, Brian Eno, David August.

Là một trong số ít những nghệ sĩ Việt Nam được biết đến bởi những set nhạc điện tử chơi live, quyết định này đến với bạn như thế nào?

Khoảng giữa năm 2018, tôi và một người bạn thành lập nhóm nhạc tên Lost Sessions tại Singapore để thực hành nhạc thể nghiệm (Experimental) và nghệ thuật Audio-Visuals. Chúng tôi trân trọng những khoảnh khắc chơi nhạc ngẫu hứng và mong muốn mọi âm nhạc, ánh sáng, và hình ảnh tương tác trực tiếp với nhau. Từ đó tôi tự tìm hiểu và trau dồi thêm kiến thức chuyên môn với mong muốn phổ biến hơn nghệ thuật trình diễn với âm thanh và hình ảnh, tương tác với trải nghiệm của người nghe. Sau này cho tới khi quay về lại Việt Nam, tôi được tiếp xúc, quan sát và học hỏi thêm từ những DJ và nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng thích thú, biết ơn và có động lực hơn để đi tiếp với nhạc live, bởi ngay ở Việt Nam cũng có rất nhiều nghệ sĩ xuất sắc. Tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc cùng cùng một số nghệ sĩ người Việt có kinh nghiệm làm nhạc và biểu diễn lâu năm như Trí Minh, Chin, Quan. Ngoài ra, tôi cũng đang dành nhiều công sức phát triển cộng đồng nghệ sĩ chơi nhạc điện tử live tại Sài Gòn. Những sự kiện, workshop về nhạc điện tử được tổ chức và vận hành bởi Binary Waves Collective, tạo ra sân chơi cho nhạc điện tử và tôi có thể thỏa sức sáng tạo mới những âm thanh được tạo ra từ các thiết bị làm nhạc điện tử. Tôi hy vọng trong thời gian tới cộng đồng sẽ phát triển và thu hút được nhiều khán giả yêu thích môn nghệ thuật này.

Bạn sẽ tự miêu tả âm nhạc của mình ở thời điểm hiện tại thế nào?

Mặc dù câu hỏi này nên dành cho người nghe hơn nhưng nhìn chung đối với tôi bây giờ, những set nhạc tôi làm phần nào thể hiện những câu chuyện, trải nghiệm của tôi qua từng giai đoạn. Vui, buồn, nhộn nhịp, cuốn sâu, day dứt có thể là những từ miêu tả về âm nhạc của tôi bây giờ.

Âm nhạc của bạn có thay đổi kể từ khi Tarnoise Spaceman bắt đầu hành trình của mình với âm nhạc không?

Tôi nghĩ nghệ sĩ nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau trong hành trình âm nhạc. Từ lúc học hỏi, trau dồi cho tới lúc thực hành và sáng tạo trong âm nhạc. Có thể nói tôi và âm nhạc trưởng thành cùng nhau. Khi tôi bình tĩnh hơn, dường như năng lượng đó cũng truyền vào trong âm thanh tôi làm ra.

Đọc thêm: Lễ hội Nusasonic HCMC đánh dấu thành công của dự án khám phá và thể nghiệm âm nhạc Đông Nam Á

Đã ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc từng ra mắt cùng Haustek Label cũng như những set nhạc live, bạn tâm đắc nhất với điều gì?

Có lẽ tôi vẫn tâm đắc nhất những track nhạc ambient hơn. Ví dụ như “Be Aware” hay “Hear The Ring”. Tôi luôn cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn khi nghe những track này vì giúp tôi thư giãn và nghĩ tích cực hơn. Còn với những set nhạc live, thú thực tôi thích nghe lại live set của mình ở hai club ở Sài Gòn là The Lighthouse và Arcan giai đoạn gần đây. Chúng cũng gắn liền với những dấu ấn đặc biệt trong quá trình chơi nhạc của tôi. The Lighthouse có lẽ là club underground đầu tiên mà tôi may mắn được đứng trên bàn biểu diễn. Không khí và khán giả underground thực sự luôn mang đến cho tôi nhiều cảm hứng biểu diễn, bởi cảm giác được chơi nhạc với những raver đích thực khiến tôi vui khó tả, giống như tôi và khán giả cùng đang góp phần tạo nên văn hoá này. Set nhạc tôi chơi ở The Lighthouse vì thế cũng có phần gai góc và hoang dã hơn. Với Arcan thì cảm giác vui sướng vẫn như vậy, có điều lần này tôi mang đến một không gian và tính cách khác qua âm nhạc được thể hiện, trau chuốt và mạch lạc hơn.

Bạn coi việc là một nghệ sĩ underground ở Việt Nam như trở ngại, hay là điểm tích cực với âm nhạc của mình?

Tôi không cho rằng trở thành một nghệ sĩ underground là trở ngại, tôi cảm thấy được là chính mình, tôi thấy vui không hết ấy chứ. Không còn gì hơn khi được là chính mình.

Ở Việt Nam, nhạc điện tử cũng như hip-hop, phát triển như một cộng đồng. Bạn thấy điều này có đúng không và cộng đồng này có ý nghĩa thế nào trong phát triển tư duy hay cách chơi nhạc của bạn?

Tôi nghĩ âm nhạc hay bất cứ lĩnh vực nào cũng cần cộng đồng để nghiên cứu, trau dồi, phát triển. Nếu không có cộng đồng nghe nhạc hay làm nhạc thì tôi chắc cũng làm nhạc để tự chiều bản thân. Khi có một cộng đồng cùng đam mê, sở thích thì có thể nói trình độ tiến nhanh, được cập nhật thường xuyên hơn, được học hỏi cái hay và cải thiện những thiếu sót.

Đọc thêm: 25 tấm ảnh ghi lại đời sống nightlife Hà Nội qua ống kính của một raver

Bạn có quan sát như thế nào về bối cảnh nhạc điện tử ở Việt Nam với tư cách một nghệ sĩ?

Thuộc thế hệ đi sau trong bối cảnh này, tôi nhận thấy cộng đồng techno ở Việt Nam đang dần được phổ biến rộng rãi và ưa chuộng hơn. Năm 2019, Technovn đã làm event Boiler Room ở Vn, tôi rất vui và tự hào khi Việt Nam bắt đầu được cộng đồng quốc tế chú ý tới và hợp tác nhiều hơn. Rất nhiều nghệ sĩ gạo cội quốc tế đã được mời về Việt Nam biểu diễn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ và DJ trẻ tuổi ở Việt Nam vẫn đang hoạt động tích cực để phổ biến âm nhạc điện tử. Một số sự kiện từ nhạc Gãy luôn thu hút rất đông khán giả trẻ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhạc điện tử ở Việt Nam như một kiểu quá độ giai đoạn, phát triển rất nhanh, một lúc có rất nhiều thể loại nhạc điện tử được phổ biến. Vậy nên, việc bổ sung kiến thức rất quan trọng để tránh những hiểu nhầm về định nghĩa, màu sắc, tính chất của nhạc điện tử.

5 album/track nhạc bạn hay nghe nhất ở thời điểm hiện tại?

Singularity - Jon Hopkins

Forsvinder - Bremer/McCoy

LesAlpx - Floating Points

Async remodels - Ryuichi Sakamoto

Black Focus - Yussef Kamaal

Theo dõi các sản phẩm âm nhạc của Tarnoise Spaceman trên Spotify.

Vân Anh là Managing Editor của Mixmag Asia Việt Nam. Theo dõi Vân Anh trên Instagram.

Next Page
Loading...
Loading...